Kỳ tích dòng sông ngầm
VOV1 - Bằng trí tuệ và lòng dũng cảm, những người lính xăng dầu đã làm nên một điều kỳ diệu, xây dựng hệ thống đường ống xăng dầu gần 5000km từ biên giới Việt - Trung đã vào tận Bình Phước, kịp thời đưa xăng dầu phục vụ chiến trường miền Nam, góp phần làm nên đại thăng mùa xuân 1975

                              

Chỉ trong vòng 6 năm từ giữa năm 1968 đến tháng 2 năm 1975, bất chấp gian khổ hy sinh, bằng trí tuệ và lòng dũng cảm, những người lính xăng dầu đã làm nên một điều kỳ diệu, xây dựng hệ thống đường ống xăng dầu gần 5000km từ biên giới Việt - Trung đã vào tận Bình Phước, kịp thời đưa xăng dầu phục vụ cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng rực rỡ mùa xuân năm 1975. Đã có người ví hệ thống đường ống xăng dầu ấy là dòng sông ngầm đường dưới lòng đất. 

 Cuối tháng 3/1968, Mỹ tăng cường ném bom đánh phá các tuyến đường huyết mạch ở khu 4. Khu vực phà Bến Thủy - Nam Đàn - Linh Cảm được xem là tam giác lửa, bị bom Mỹ đánh dữ dội. Truông Bồn, Rú Trét, Ngã ba Đồng Lộc bị bom cày đi xát lại, việc vận chuyển xăng dầu vào Nam bị tắt, xe của Đoàn 559 không còn giọt xăng nào, kế hoạch vận tải quân nhu cho mùa khô nguy cơ bị trì hoãn. Quân ủy trung ương đồng ý phương án làm đường ống xăng dầu từ Khe Ve vượt cổng trời Mụ Giạ (Quảng Bình) xuyên qua Trường Sơn, sang Lào để tiếp cận đường 9, tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn 559 vận tải vào Nam. Công trường 18 thành lập triển khai làm đường ống vượt “tam giác lửa” Bến Thủy - Nam Đàn - Linh Cảm. 

Để tránh bom Mỹ, việc thi công đường ống phải làm ban đêm, dân quân, thanh niên địa phương được huy động để đào hào, vác ống giúp bộ đội. Câu chuyện với Thiếu tá, kỹ sư đường ống Phan Văn Hợi sau hơn 50 năm kể từ thời khắc kéo đường ống vượt sông Lam đêm 22/6/1968 như vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Thiếu tá Phan Văn Hợi kể: "Chiều 22 chúng tôi kéo một dây cáp từ bên này sang bên kia sông để dùng phương pháp kéo chìm của Liên Xô và hỗ trợ của xe cơ giới. Kéo được một đoạn thì đường ống chui vào đá, dây cáp chìm dưới phù sa không kéo được nữa. Nói thật lúc đó  anh em cán bộ kỹ thuật chúng tôi cũng bi quan lắm. Sau đó chúng tôi cho đi nửa chìm nửa nổi. Chúng tôi cho thợ lặn xuống, vớt ống lên, rồi vớt dây cáp căng lên cho nó nổi. Đêm hôm đó chúng tôi kéo được 500 mét ống vượt sang bên này. Anh em rất phấn khởi. Vì chỗ đó là cửa tử. Nếu chúng tôi không làm đường ống vượt sông được thì coi như bế tắc. Chủ công là lực lượng bộ đội. Nhưng thực chất mà nói để thành công việc này có công rất lớn của nhân dân xã Nam Đông này và nhân dân các xã dọc tuyến đường ống. 

     

           Vượt qua sông Lam an toàn, sau đó tiếp tục vượt sông La vào Hà Tĩnh. Ngày 10-8-1968 tuyến ống 42 km vượt “tam giác lửa” hoàn thành. Dòng xăng vào đến kho N2 ở Nga Lộc, Hà Tĩnh trong niềm vui vô tận của những người lính xăng dầu. Thiếu tá Phan Văn Hợi  nhớ như in tâm trạng ngày ấy: "Hơn 10 ngày thi công không ngủ, anh em chúng tôi ai cũng mệt lử rồi. Nhưng đến khi báo tin xăng vào Hà Tĩnh rồi, nói thật là anh em chúng tôi khỏe lại hết. Ai cũng phấn khởi, đồng thời rất  tự hào. Nếu không có đường ống thì việc giải phóng đất nước sẽ rất khó khăn".

Tuyến đường ống xăng dầu tiếp tục được thi công vượt đèo Mụ Giạ, sang Na Tông (tỉnh Khăm Muồn- Lào). Đến đầu tháng 3/1969 tuyến đường ống đầu tiên vượt Trường Sơn dài 350km nối từ Vinh - Cổng Trời - Na Tông đến kho Ka Vát, cung cấp xăng dầu kịp thời cho 5.000 xe của đoàn 559 tiếp tục đợt vận tải đột kích mùa khô 1968-1969. Những người lính  xăng dầu đã làm nên kỳ tích đầu tiên là vượt qua tam giác lửa, đưa xăng vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam.   

Sau khi hoàn thành tuyến ống xăng dầu đầu tiên, do yêu cầu ngày càng cấp bách của chiến trường miền Nam, Quân ủy Trung ương chỉ đạo tiếp tục làm đường ống từ đông sang tây Trường Sơn theo đường 18 sang Lào. Tuyến ống đi từ Long Đại vào Cẩm Ly (Lệ Thủy, Quảng Bình) rồi vượt các đèo cao 400m, 700m, 900m đến bản Ra Mai gần sông Sêpănghiêng, đi tiếp vào bản Cò tỉnh Sanavakhet – Lào để xuống đường 9.

            Đây cũng là lúc máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, gây thiệt hại nặng nề cho tuyến ống và hệ thống kho bể; hàng trăm chiến sĩ của Tiểu đoàn 668 và thanh niên xung phong hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên thống nhất phương án cho ống đi từ đỉnh 900m vượt qua đỉnh 901 để vào bản Cò. Đây là đoạn địa hình hiểm trở, công binh, thanh niên xung phong phải treo mình trên sườn núi để đưa ống lên. 7000 ống thép cùng hàng chục tấn thiết bị máy móc, bể cao su được đưa vào tuyến nhờ đôi vai của các chiến sĩ. Đó là điều bất ngờ nhất đối với không quân Mỹ. Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu – nguyên Cục trưởng Cục kinh tế Bộ Quốc phòng- người tham gia chỉ huy thi công tuyến ống xăng dầu ngày ấy nhớ lại: "Nhìn chỉ còn duy nhất đỉnh 911.  Nên bọn tôi quyết định đưa ống lên đỉnh 911. Không vượt chỗ thấp nữa mà nhè chỗ cao nhất để vượt. Vấn đề là bơm như thế nào. Cuối cùng các kỹ sư chọn được cách vận hành tốt nhất, bơm được xăng qua đỉnh 911. Vượt qua đó cũng là vượt qua đỉnh Trường Sơn xuống bản Cò. Đó là thắng lợi hoàn toàn bất ngờ đối với người Mỹ".

    

Đến cuối năm 1972, tuyến đường ống xăng dầu chiến lược đã thành một hệ thống từ biên giới Việt - Trung đến Cam Lộ (Quảng Trị) và sang nam đường 9 phía tây Trường Sơn, có tổng chiều dài 3.278km với hơn 81.000 tấn nhiên liệu dự trữ. Đường ống xăng dầu tiếp tục luồn rừng vào nam. Sau đó là hệ thống đường ống song song phía đông Trường Sơn, nối vào tới chiến trường Nam bộ. Ngày 20/11/1974, hai tuyến đường ống Đông và Tây Trường Sơn gặp nhau ở ngã ba biên giới Plây Khốc, Kontum, sau đó thi công nhanh vào nam. 21giờ 30 phút ngày 14/3/1975, dòng xăng về đến Bù Gia Mập- Bình Phước. Từ đây xăng được tiểu đoàn xe xitec 103 chở về đổ vào cụm kho Lộc Ninh. Từ đây, từng đoàn xe no xăng thẳng tiến về Sài Gòn, góp phần cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. 

          Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên khi còn sống, thường nghĩ về những ngày tháng gian nan của cuộc kháng chiến, nghĩ về biết bao đồng đội của mình đã phải đổi cả máu xương để dòng xăng từ miền Bắc chảy vào tận chiến trường miền Nam. Với vị tướng già cả đời gắn bó với Trường Sơn, với đường ống xăng dầu, đó là một huyền thoại: "Bơm từ Hạ Long vào Lộc Ninh chỉ mất 7 tiếng thôi, trong khi chở bằng đường bộ mất 30 – 40 ngày. Đường ống dẫn xăng dầu đã đảm bảo cho việc cơ động binh lực cũng như cơ sở vật chất cho các chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Chiến dịch  Buôn Ma Thuột, Tổng tiến công nổi dậy năm 1975, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Góp phần rút ngắn thời gian giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Cho nên nếu đường Hồ Chí Minh là một huyền thoại thì đường ống xăng dầu là một huyền thoại trong huyền thoại  ấy"

           Chỉ trong 7 năm từ 1968 đến mùa xuân năm 1975, những người lính xăng dầu Trường Sơn đã làm nên một điều kỳ diệu. Xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống đường ống xăng dầu 4.999km từ biên giới Việt Trung đến tận miền đông Nam Bộ, như hệ thống mạch máu chảy khắp cơ thể, đưa máu từ miền Bắc tiếp sức cho miền Nam kháng chiến. Dòng sông ngầm ấy đã chảy bằng máu và lửa của lòng nhiệt tình, ý chí sắt đá, khát vọng độc lập tự do của cả một dân tộc vào với miền Nam thành đồng. Trên 328.000 mét khối xăng dầu qua Trường Sơn đã trộn lẫn máu xương của bao chiến sĩ, để đất nước Việt Nam nở bừng hoa chiến thắng./.  

 Nguyễn Vân Thiêng 

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận