Hội nghị Thị trưởng nói tiếng Pháp 2025: Thúc đẩy hợp tác quốc tế vì phát triển bền vững
VOV1 - Từ ngày 27 đến 30/4, tại thành phố Huế, diễn ra Hội nghị Thị trưởng nói tiếng Pháp 2025. Đây là một trong những sự kiện lớn nhất do Hiệp hội Quốc tế các Thị trưởng nói tiếng Pháp (AIMF) tổ chức. Sự kiện quy tụ hơn 400 đại biểu đến từ 57 quốc gia với hơn 100 thành phố từ khắp nơi trên thế giới

Hội nghị lần này là diễn đàn quan trọng để các nhà lãnh đạo đô thị trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các sáng kiến nhằm giải quyết những thách thức toàn cầu mà các thành phố đang phải đối mặt, đặc biệt trong các lĩnh vực như “biến đổi khí hậu”, “bảo tồn di sản” và “phát triển du lịch bền vững”. Hội nghị cũng tạo cơ hội cho các thành phố mở rộng hợp tác song phương trong các lĩnh vực như “bảo tồn di sản”, “chuyển đổi số” và “phát triển hạ tầng bền vững”. 

Thành phố Huế không chỉ nổi bật với bề dày văn hóa, lịch sử mà còn được đánh giá cao trong công tác quy hoạch đô thị gắn với bảo tồn di sản. Huế hiện là thành viên tích cực của AIMF với nhiều dự án hợp tác nổi bật như bảo tồn môi trường và cảnh quan khu Thành Nội, thành lập trung tâm đón tiếp sinh viên Pháp ngữ, gần đây là xây dựng trạm xử lý phân bùn phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Huế, ông Nguyễn Văn Phương kỳ vọng với vai trò là địa phương đăng cai “Năm Du lịch Quốc gia 2025”, Huế sẽ có cơ hội quảng bá mạnh mẽ hơn hình ảnh văn hóa Việt Nam ra thế giới, đồng thời thu hút đầu tư cho các dự án phát triển bền vững.

“Trong nhiều năm qua, Hiệp hội Quốc tế các Thị trưởng nói tiếng Pháp (AIMF) đã khởi xướng nhiều sáng kiến về di sản đô thị và đồng hành cùng các lãnh đạo địa phương trong công tác bảo tồn di sản, thúc đẩy du lịch bền vững và cùng nhau giải quyết những thách thức toàn cầu, hướng đến một sự phát triển bền vững của các thành phố”. Hiệp hội quốc tế các thị trưởng nói tiếng Pháp đã thực hiện rất tốt sứ mệnh của mình, tạo sự liên kết cũng chắc giữa các thành phố thành viên, đối tác Pháp ngữ và quốc tế”.

Một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị năm nay là vấn đề “biến đổi khí hậu”. Mười năm sau khi Thỏa thuận Paris được ký kết tại COP21, các thành phố Pháp ngữ tiếp tục khẳng định vai trò đi đầu trong ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu. AIMF đã chính thức công bố sáng kiến “Liên minh các thành phố Pháp ngữ vì khí hậu” nhằm tập hợp nguồn lực và thúc đẩy hành động cụ thể ở cấp địa phương.

Năm 2025 đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng của AIMF: “45 năm” thành lập, “35 năm” Quỹ Hợp tác và “30 năm” trở thành cơ quan điều phối chính thức trong cộng đồng Pháp ngữ. Được thành lập từ sáng kiến của Paris và Québec vào năm 1980, AIMF hiện là mạng lưới của hơn 300 thành phố thành viên, đóng vai trò quan trọng trong phát triển đô thị thông qua hỗ trợ kỹ thuật và tài chính.  Ông Désiré Nyaruhirira, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ khẳng định:

“Sức mạnh của AIMF nằm ở khả năng tập hợp đa dạng các tác nhân, trong đó có chính quyền địa phương, xã hội dân sự, các trường đại học và phương tiện truyền thông… Tập hợp này vừa linh hoạt, vừa khắt khe, cho phép tìm ra các giải pháp phù hợp. Chính sự kết nối các địa phương và toàn cầu là trọng tâm của nền ngoại giao trong tổ chức quốc tế thực hiện. Ngoại giao thể chế nhưng vẫn phải bắt nguồn từ nhu cầu của người dân. Một nền ‘ngoại giao hành động’ bên cạnh các quốc gia nhưng cũng phối hợp với các vùng lãnh thổ và các lực lượng khác như ở Việt Nam. Việt Nam là một minh chứng rõ ràng cho điều này. Trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi đáng kinh ngạc, trở thành một tác nhân kinh tế hàng đầu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.”.

Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều hoạt động quan trọng được tổ chức như Hội thảo “Di sản và Du lịch bền vững”, hội nghị Mạng lưới các thành phố Đông Nam Á, các cuộc họp chuyên môn và Hội thảo “Ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu”. Đây là cơ hội để các thị trưởng và chuyên gia chia sẻ giải pháp, thúc đẩy cam kết hành động trong các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là phát triển đô thị gắn với gìn giữ di sản và bảo vệ môi trường. Bà Anne Hidalgo, Thị trưởng Paris, Chủ tịch AIMF phát biểu:

“Khi nói về đô thị Huế là một thành phố di sản, một thành phố mà có vẻ đẹp kỳ ảo. Cái di sản đó chứng tỏ rằng những  thế hệ đi trước đã cống hiến những điều tốt đẹp nhất để xây dựng lên di sản đó. Vì vậy, chúng ta cần phải gìn giữ và bảo vệ và phát triển tất cả văn hóa về âm nhạc và nghệ thuật. Vì sao chúng ta phải bắt đầu đầu từ những việc ‘bảo tồn di sản’? Bởi vì, nếu không biết được những gì mà người khác đã thực hiện thì không thể thúc đẩy văn hóa phát triển”.

 Tại hội nghị lần này, AIMF đã thông qua 15 chương trình, dự án sẽ được triển khai trong thời gian tới. Trong đó nổi bật là hai dự án hợp tác với Liên Hợp Quốc: Một dự án về “an toàn giao thông” với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn; Một dự án khác về “liên minh các phương tiện xuyên biên giới”, kết nối các hệ thống đa phương tiện có thể truy cập từ “điện thoại di động”, “máy tính xách tay” nhằm hỗ trợ “kết nối văn hóa” giữa các quốc gia thành viên AIMF./.

Lê Hiếu/VOV Miền Trung

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận