Chủ động giải pháp thích ứng với chiến tranh thương mại và chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ
VOV1 - Ngày 9.4 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tạm dừng thuế đối ứng với hơn 75 quốc gia trong vòng 90 ngày. Đâu là giải pháp để chủ động thích ứng với chiến tranh thương mại và chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ? Vai trò của hệ thống Xúc tiến thương mại và Thương vụ ra sao?

Theo các Thương vụ tại nước ngoài ở một số thị trường chính như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Braxin, Úc, EU, mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ áp dụng với một số nước đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt nam và một số nước, do vậy việc đa dạng hoá thị trường, bảo vệ thương mại đa phương, tăng cường kết nối thị trường bằng các Hội chợ, triển lãm quốc tế, mở rộng nhu cầu ở thị trường trong nước… là rất quan trọng. Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Một số giải pháp về xúc tiến thương mại trong thời gian tới để có thể đa dạng hóa được thị trường, đó là chúng ta có thể là làm mới những thị trường cũ. Cụ thể, những thị trường lớn như Trung Quốc, EU, Hoa kỳ, thì chúng ta có thể là gia tăng lượng hàng hóa, mà có giá trị gia tăng cao, có giá trị thương hiệu cao, để giảm số lượng xuất khẩu, nhưng vẫn tăng được giá trị hàng hóa xuất khẩu. Điều này chỉ có thể làm được nếu như chúng ta đẩy mạnh giá trị thương hiệu hàng hóa, cũng như hàm lượng chế biến sâu và tỷ trọng khoa học công nghệ trong hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh đó thì chúng ta sẽ tìm kiếm những thị trường mới như là thị trường Nam Mỹ, các nước Đông Âu cũ, Trung Đông và châu Phi. Đây là những thị trường có dân số rất là lớn và đòi hỏi chất lượng hàng hóa vừa phải, phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam”.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại tại Mỹ cho hay, Việt Nam nằm trong nhóm các nước Hoa Kỳ ưu tiên đàm phán, cùng với Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia. Hiện nhiều Tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Walmart, Target (nhập khẩu hàng Việt Nam chiếm 30%), Costco, HomeDepot... ủng hộ và tin tưởng Việt Nam sẽ sớm đạt được thỏa thuận thông qua việc gỡ bỏ các mức thuế đối ứng. Các doanh nghiệp, tập đoàn phân phối hàng đầu của Hoa Kỳ đang cân nhắc tham dự sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing & Diễn đàn xuất khẩu TP.HCM 2025 diễn ra vào tháng 9, do Bộ Công Thương phối hợp tổ chức, thực hiện, đồng thời cho biết có nhiều tín hiệu tích cực trong vấn đề đàm phán thuế quan giữa hai nước. Do vậy, các bộ ngành trong nước, đặc biệt là Bộ Công Thương, Tài chính, Ngoại giao cần tăng cường ngoại giao, đàm phán để vận động xử lý các vấn đề về thuế đối ứng, triển khai lộ trình cụ thể để Việt nam bảo vệ lợi ích thương mại trước các biện pháp thuế quan tiềm tàng từ Chính quyền Tổng thống Donal Trump. Đồng thời tăng cường chiến lược hợp tác với Hoa Kỳ nhằm phát triển bền vững trong quan hệ thương mại song phương giữa hai nước, từ công nghiệp đến thương mại, đầu tư, năng lượng, trí tuệ nhân tạo… Ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán Thương mại tại Mỹ đề xuất: “Việt Nam cũng như các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách là tiếp tục đưa ra các biện pháp để kích thích nhu cầu nội địa, thông qua các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước, để bù đắp cho sự suy giảm tiềm tàng trong xuất khẩu trong thời gian tới. Các doanh nghiệp của Việt Nam thì cũng nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước. Từ đó củng cố khả năng xuất khẩu thông qua đầu tư vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể của các ngành công nghiệp quan trọng mang tính chất bổ trợ nền tảng, nâng cấp công nghệ, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, đơn giản hóa các quy định kinh doanh và cải thiện cơ sở hạ tầng để giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm tạo sự cạnh tranh hơn nữa tại thị trường Hoa Kỳ, tăng cường khả năng phục hồi và gia chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô, các hàng hóa trung gian để tập trung vào một thị trường nhất định, thúc đẩy xuất khẩu với hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao”

Chính sách thuế quan của Mỹ đã khiến thị trường thế giới biến động, tuy nhiên thách thức luôn đi liền với cơ hội. Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại tại Canada, thông tin căng thẳng thương mại giữa Canada và Trung Quốc, cùng nhu cầu tìm kiếm đối tác mới của các doanh nghiệp Canada đang mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam. Việc Canada giảm phụ thuộc vào hàng hóa Hoa Kỳ cũng tái định hình chuỗi cung ứng, tạo thêm lợi thế cho Việt Nam nhờ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Đơn cử như sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng Bắc Mỹ, trong đó có Canada vào Hoa Kỳ đang đặt ra cho Việt nam nhiệm vụ hết sức cấp bách có giải pháp để ứng phó với 4 tỷ USD mà Canada đang phụ thuộc vào nhà xuất khẩu Hoa Kỳ những năm trước đây, làm sao để tiếp tục đến được với thị trường Canada trong năm nay và những năm tới. Trong khi tính liên thông giũa thị trường Canada và Hoa Kỳ không còn đúng trong bối cảnh hiện nay và việc xúc tiến thương mại, quảng bá tại Hoa Kỳ không có nghĩa là mở được cánh cửa thị trường Canada.  Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam chắc chắn sẽ gặp cạnh tranh lớn với hàng hoá Trung Quốc, Thái Lan và nhiều nước khác. Bên cạnh đó, nếu Australia giảm thuế cho hàng hoá của Hoa Kỳ thì nông sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với nông sản Hoa Kỳ. Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại tại Canada cho biết: “Hiện nay trong 10 sản phẩm Hoa Kỳ xuất khẩu sang Canada có 3 nhóm sản phẩm máy móc cơ khí, điện tử, sắt thép đều là những mặt hàng chủ lực xuất khẩu của chúng ta. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch về quy mô kim ngạch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là khoảng từ 5 đến 32 lần. Nói như vậy để thấy là cơ hội của chúng ta là có, để mở rộng thị phần ở địa bàn này. Ngoài ra, những mặt hàng khác mà Canada đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Hoa Kỳ như: nhựa, cao su, nhôm, nội thất, sắt thép,… thì đều là những mặt hàng tiềm năng mà chúng ta có khả năng thâm nhập thị trường nhờ sự kém cạnh tranh của Hoa Kỳ do thuế quan. Đối với lĩnh vực thực phẩm chế biến thì chúng tôi cũng cho rằng đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập thị trường Canada trong bối cảnh chuỗi cung ứng của sở tại có nhu cầu khẩn cấp đa dạng hóa nguồn cung, tìm kiếm các đối tác thay thế và các mặt hàng mới, để bù đắp vào khoảng trống thị trường của Hoa Kỳ. Hằng năm thì Hoa Kỳ cung ứng khoảng 3 tỷ đô la Mỹ sản phẩm thực phẩm chế biến, 3 tỷ sản phẩm bánh kẹo, 3 tỷ chế phẩm ngũ cốc và không kể những tiềm năng khác từ việc cung ứng trái cây đồ uống….”

Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Do đó, rất cần các cơ quan thương vụ thông tin thường xuyên tình hình thị trường, xu hướng mới nhất của người tiêu dùng Hoa Kỳ, cũng như tiến độ đàm phán chính sách thuế. Hiện các doanh nghiệp đang dồn sức hoàn thành đơn hàng trong 90 ngày Hoa Kỳ hoãn thuế, song doanh nghiệp rất cần thông tin mới nhất để đánh giá tình hình thị trường và quyết định có nên tiếp tục ký kết đơn hàng. Cũng là ngành xuất khẩu lớn, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất vào Mỹ. Trong 90 ngày hoãn thuế của Hoa Kỳ, các doanh nghiệp đang chạy đua sản xuất. Dù tin tưởng vào các giải pháp ứng phó của các cơ quan chức năng, song ông Nguyễn Hoài Nam mong muốn: “Đứng trên góc độ mà đang chạy đua với thời gian mùng 9 tháng 7 mà chúng tôi đang cập nhật, Hiệp hội chúng tôi cũng chủ động trong việc kết nối để mà làm việc với Bộ Công thương, với các bộ, ngành có liên quan thì các doanh nghiệp tự tin, cũng như là khá yên tâm vào những chương trình làm việc của Chính phủ, từ chuyện ứng phó, cả chuyện đàm phán sắp tới. Nhưng mà chuyện dự phòng là có. Chúng tôi cũng mong rằng ở góc độ là Bộ Công thương ở chỗ Cục và các anh chị bên Thương vụ Hoa kỳ giúp cho đầu tiên nhất là làm sao mà thông tin được một cách chính xác, liên quan đến các chốt đơn hàng, rồi chốt giá, ETA hay ETD, cách nhau còn đang tính giá cách nhau khoảng 35- 40 ngày, cũng khá căng”

Tuy vậy, theo các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các doanh nghiệp cần cải thiện năng lực sản xuất để có thể xuất khẩu bền vững tới các thị trường đang có, đồng thời tăng cường tiếp cận thị trường mới. Các cơ quan thương vụ sẽ nắm bắt thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng và chính sách mới của nước sở tại để cung cấp tới doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới và thâm nhập thị trường toàn cầu, thị trường tiềm năng trong tình hình mới./.

Xuân Lan- VOV1.

 

Xem trên các nền tảng khác