Đón các anh về sau khắc khoải chờ mong
VOV1 - Chiến tranh đã lùi xa nhưng vì nhiều lý do, hoàn cảnh, đang còn nhiều hài cốt liệt sỹ nằm lại trên các chiến trường, các nghĩa trang vẫn còn hàng vạn ngôi mộ với dòng chữ “Liệt sỹ chưa biết tên”.

Thân nhân liệt sỹ vẫn ngày đêm mong mỏi thông tin về phần mộ, hài cốt người thân, để được đón về với gia đình, quê hương. Mỗi lần kết quả giám định ADN được xác thực trùng khớp với thân nhân là một niềm an ủi, an lòng sau hàng chục năm khắc khoải mong chờ của gia đình liệt sỹ. 

Ông Lê Văn Nhật, phường Phúc Lợi, thành phố Hà Nội vào chiến trường miền Nam tìm phần mộ em trai liệt sỹ Lê Quyết Chiến từ khi ông mới 35-36 tuổi. Đến nay ông đã 88 tuổi, hành trình tìm kiếm của ông và gia đình đã kéo dài hơn nửa thế kỷ. Sau thời gian móng ngóng, hy vọng, ông Lê Văn Nhật vừa được Viện pháp y Quân đội báo tin tới nhận thông báo kết quả giám định hài cốt liệt sỹ vào đúng dịp kỷ niệm 78 năm ngày thương binh liệt sỹ. Theo thông báo, phần mộ em trai ông ở số 18, nghĩa trang liệt sỹ xã Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Tuy khoảng cách địa lý xa xôi, cách nơi ông sinh sống hơn 1.200 km, nhưng khi biết phần mộ em trai ông đã thấy ấm lòng: “Em tôi hy sinh ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, khi mà chết, bộ đội rút đi, dân quân họ chôn. Sau bốc vào nghĩa trang lại người khác bốc vào, khi chết không có giấy tờ gì, thế nên không biết chính xác. Giờ nhờ chính sách của nhà nước quân đội thử ADN, khoa học, mới thấy được. Bây giờ chính xác rồi thì gia đình tôi đưa em tôi về gần gia đình.”

Chiến tranh đã kết thúc 50 năm, là ngần đó năm các gia đình mong ngóng, kiếm tìm. Cuộc tìm kiếm của các gia đình thân nhân liệt sỹ sẽ không kết thúc nếu không có kết quả giám định ADN khoa học, chính xác. Nhận được kết quả, ông Lê Đồng Hoa (tỉnh Thanh Hóa) đã biết phần mộ anh trai - liệt sỹ Lê Đồng Cội đang ở nghĩa trang liệt sỹ thị xã Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang cũ, nay là thành phố Cần Thơ. Trong giây phút cảm xúc dâng trào, ông nói như tâm sự với người anh của mình: “52 năm đã trôi qua, các em đi tìm kiếm anh vào tận nơi rồi nhưng xác định vẫn chưa chắc chắn được. Nên đến giờ phút này bên Bộ Quốc phòng, bên tìm kiếm hài cốt đã được tin chính thức ngôi mộ của anh. Trong lúc này em vô cùng bối rối và xúc động, chỉ mong đến ngày nhanh chóng đưa anh về với quê hương, đất tổ.”

 Tâm nguyện được đón người đã ngã xuống vì Tổ quốc về với gia đình, quê hương, sau bao năm thương nhớ, để được chăm sóc phần mộ, di vật cuối cùng của máu mủ, ruột rà, là mong mỏi của tất cả các gia đình. 

Thời gian đã trôi đi, nhiều gia đình đã chờ đợi nhiều thập kỷ đến cả hơn nửa thế kỷ để tìm phần mộ liệt sỹ. Điều kiện khí hậu, thời gian, môi trường khắc nghiệt, các mẫu bị phong hóa, khiến cho việc tìm kiếm và xác minh danh tính liệt sỹ ngày càng khó khăn hơn. Nhưng với tinh thần dù khó mấy cũng phải làm, phải chạy đua với thời gian, để không một liệt sỹ nào bị lãng quên, không một gia đình thân nhân nào phải chờ đợi, bởi đó không chỉ là trách nhiệm, là nghĩa vụ, mà còn thể hiện sự tri ân với những người đã ngã xuống vì độc lập, vì tự do. Từ năm 2013 đến nay, Bộ Quốc phòng đã tìm kiếm quy tập được hơn 20.000 hài cốt liệt sỹ cả ở chiến trường trong nước và ở nước bạn Lào, Campuchia và đã xác minh được danh tính của gần 500 liệt sỹ, thông qua phương pháp giám định ADN.

Được trao những thông báo tới thân nhân liệt sỹ vào đúng dịp 78 năm ngày thương binh liệt sỹ, chứng kiến những người còn ở lại sau nhiều năm mong ngóng, nay đã được an lòng, nâng niu tờ thông báo trong vòng tay, rưng rưng như được ôm chính con, em của mình. Thượng tướng Lê Quang Minh Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam xúc động: “Khi tận tay trao kết quả giám định ADN đến từng gia đình, chúng tôi cảm nhận được niềm xúc động vỡ òa sau những năm tháng khắc khoải mong chờ. Từ hôm nay những người đồng đội của chúng tôi, những người lính năm xưa không còn là liệt sỹ chưa xác định được danh tính nữa, mà đã trở về trong vòng tay yêu thương, được chăm lo hương khói, được yên nghỉ trong đất mẹ với đầy đủ danh tính, quê hương.”

Qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, nước ta có khoảng 1,2 triệu liệt sĩ, trên 900.000 hài cốt liệt sĩ đã được an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ, khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã an táng nhưng chưa xác định được danh tính, và khoảng 175.000 hài cốt liệt sĩ từ khắp các chiến trường đang tiếp tục được tìm kiếm, quy tập.

Nguyên Nhung

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận