Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan: Động lực mới cho hợp tác khu vực
VOV1 - Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra từ ngày 15-16/5 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương mà còn mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng giữa hai nước.

Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Thái Lan đã có cuộc phỏng vấn với học giả Kavi Chongkittavorn, nhà nghiên cứu quốc tế hàng đầu tại Thái Lan, về những điểm nhấn của chuyến thăm, từ các dự án kết nối vùng đến sự phối hợp giữa hai nước trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, góp phần tăng cường sức mạnh nội tại cũng như khả năng phục hồi của ASEAN.

PV: Xin ông vui lòng chia sẻ về bối cảnh chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Thái Lan và chuyến thăm này sẽ mở ra những cơ hội mới giúp tăng cường quan hệ song phương như thế nào?

Học giả Kavi Chongkittavorn: Chuyến thăm của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra tới Việt Nam lần này rất quan trọng. Đây là chuyến thăm rất được mong đợi sau khi bị hoãn lại nhiều lần vì nhiều lý do. Với chuyến thăm này, tôi hy vọng sẽ thấy nhiều sự phát triển trong quan hệ song phương, đặc biệt là cả hai nước sẽ đưa quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường lên một tầm cao mới, quan trọng hơn nhiều, đó là Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm có sự thay đổi lớn trong cả bối cảnh khu vực lẫn các yếu tố địa chính trị. Và như chúng ta biết, Thái Lan và Việt Nam không chỉ là hai đối tác thương mại lớn trong ASEAN mà là những đối tác lớn của nhau, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD trong tương lai không xa.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ Việt Nam và Thái Lan cũng như các thành viên ASEAN khác đều giữ vai trò thúc đẩy ASEAN trở thành một khối khu vực vì hòa bình và ổn định, không chỉ trên phương diện hợp tác khu vực mà còn trong quan hệ toàn cầu, khi chúng ta đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề bất ổn và biến động trên toàn cầu.

PV: Thái Lan gần đây đã phê duyệt một số dự án phát triển kinh tế ở vùng Đông Bắc Thái Lan, nơi có cộng đồng kiều bào gốc Việt đông đảo. Những loại hình dự án cụ thể nào đang được ưu tiên tại đây và hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích gì cho tăng trưởng vùng cũng như hợp tác kinh tế Thái Lan – Việt Nam?

Học giả Kavi Chongkittavorn: Đây là một dự án rất tốt vì nó đưa ra đề xuất về “Ba kết nối” ở cấp độ cơ sở. Chúng ta có chuỗi cung ứng, có nhà sản xuất địa phương, có cộng đồng địa phương kết nối với nhau và dự án sẽ liên kết vùng đông bắc Thái Lan với miền trung Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước hợp tác trong giao dịch thương mại cũng như giao lưu nhân dân.

Một trong những điều quan trọng nhất của dự án này là vùng Đông Bắc Thái Lan hay còn gọi là Issan là quê hương của cộng đồng người Thái-Việt với rất đông người Thái gốc Việt, khoảng hơn 100.000 người. Vùng Issan còn nổi tiếng với di sản của Bác Hồ. Chúng ta đều biết rằng ở Thái Lan, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nổi tiếng, và không có nơi nào khác ngoài vùng Issan của Thái Lan có tới ba địa điểm khác nhau được xây dựng hoành tráng để tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Thái Lan.

Do đó, tôi nghĩ đây là một dự án tốt, và việc hiện giờ là cần phải xem hai bên sẽ tiến hành dự án như thế nào. Sắp tới như tôi biết thì sẽ còn có nhiều dự án hợp tác tiêu biểu khác, ví dụ như dự án hợp tác mới giữa Viện Giáo dục Đại học Thái Lan và Đại học FPT về robot. Đây là dự án rất mới mẻ và hiện hai bên vẫn đang trong quá trình thảo luân, nhưng tôi nghĩ một dự án hợp tác đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục đại học về robot và AI, một lĩnh vực hết sức mới mẻ, cho thấy Việt Nam và Thái Lan có rất nhiều tiềm năng cũng như dư địa hợp tác bên ngoài các lĩnh vực truyền thống.

PV: Trong bối cảnh rất nhiều bất ổn toàn cầu, cụ thể như chính sách thuế quan của Mỹ, Thái Lan và Việt Nam có thể hợp tác như thế nào để giúp tăng cường sức mạnh nội tại cũng như khả năng phục hồi của ASEAN?

Học giả Kavi Chongkittavorn: Một đặc điểm quan trọng của mối quan hệ Thái Lan-Việt Nam trong ASEAN, bên cạnh việc hai nước luôn đóng vai trò chủ chốt trong khối, Việt Nam và Thái Lan luôn bám sát, luân phiên hỗ trợ nhau giúp tăng cường sức mạnh ASEAN. Trong những năm tới, Thái Lan sẽ giữ vai trò Chủ tịch ASEAN rồi Việt Nam sẽ là Chủ tịch tiếp theo, tiếp tục và củng cố những gì Thái Lan đã làm trong khuôn khổ ASEAN.

Cả hai sẽ luôn hợp tác và tiếp tục các chương trình nghị sự của khối. Một trong những chương trình nghị sự là đảm bảo rằng ASEAN là động lực thúc đẩy thương mại đa phương và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, đây là những điểm rất quan trọng trong bối cảnh ASEAN hiện nay.

Với mức thuế quan cao như hiện tại, cả Thái Lan và Việt Nam đều ủng hộ mạnh mẽ nước Chủ tịch ASEAN là Malaysia nhằm đảm bảo lập trường chung trong đàm phán với Mỹ. Tất nhiên là ASEAN sẽ duy trì đối thoại và tham vấn chứ không trả đũa.

Cuối cùng, cả hai nước đều sẽ tuân thủ các quy tắc quốc tế, đặc biệt là những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là những điều cần làm và tôi nghĩ rằng tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới vào cuối tháng này, cả hai nước cũng sẽ cùng hợp tác thúc đẩy các chiến lược chung của ASEAN.

PV: Xin cảm ơn ông. 

Thường trú VOV Thái Lan

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận