Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia, các đại biểu của các bộ, ban ngành Trung ương và đại diện 63 Sở tư pháp, Cục thi hành án dân sự trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là một công việc rất hệ trọng, rất thiêng liêng. Do vậy, theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả với sự tham gia tích cực, đồng bộ của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và của nhân dân.
Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Việc sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào hai nhóm nội dung quan trọng liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và quy định về chính quyền địa phương. Góp ý về vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, giáo sư Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội phân tích, quy định của dự thảo Nghị quyết nhằm thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức hệ thống chính trị, khắc phục sự trùng lặp về tổ chức, chức năng và hoạt động giữa MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó nâng cao tính thiết chế và hiệu lực hiến định của Hiến pháp. Đồng thời, thể hiện đúng vai trò trung tâm liên minh chính trị - xã hội của MTTQVN trong hệ thống chính trị, phù hợp với chủ trương đổi mới và sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo Nghị quyết Trung ương.
Giáo sư Phan Trung Lý đề nghị việc sửa đổi cần thể hiện được vai trò trung tâm, tập trung thống nhất của MTTQVN, vừa bảo đảm phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội và tổ chức xã hội. Bên cạnh đó, cần quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy lập hiến, lập pháp: “chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, không quy định quá cụ thể chi tiết”. Theo GS Phan Trung Lý, trong Điều 9, Điều 10 sửa đổi chỉ quy định về Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, mà không quy định cụ thể tên của 5 tổ chức chính trị xã hội.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Tô Văn Hòa, quyền Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội đồng tình với quy định trong dự thảo Hiến pháp về chính quyền địa phương 2 cấp là cấp tỉnh và cấp dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để bảo đảm linh hoạt khi có thay đổi, điều chỉnh đơn vị hành chính. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định về đơn vị hành chính chuyên biệt trong cấp chính quyền địa phương hoặc trực thuộc trung ương.
Tại Hội nghị, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết: tính đến ngày 13/5/2025, sau 07 ngày triển khai lấy ý kiến nhân dân về nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VneID đã có hơn 4.300.000 ý kiến tham gia, trong đó có 99,94% ý kiến tán thành. Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh lưu ý: Các cơ quan, bộ, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức lấy ý kiến phải tuân thủ nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, tập trung nguồn lực thích đáng để tổ chức tốt công tác lấy ý kiến. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao và kiên quyết đấu tranh với các luận điệu chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước. Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương cần bám sát yêu cầu về đối tượng lấy ý kiến, hình thức và tiến độ thực hiện theo kế hoạch. Việc lấy ý kiến cần tổ chức với hình thức đa dạng, thích hợp, linh hoạt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tham gia. Các cơ quan Bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng hợp ý kiến và xây dựng báo cáo kết quả theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, bảo đảm tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan.
Bình luận