Luật Tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2026. Việc ban hành luật là bước tiến quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và hệ thống hóa các chính sách pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc một cách chuyên nghiệp, bài bản, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tính từ tháng 5/2014 đến nay, Việt Nam đã triển khai gần 1.100 sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp tới các phái bộ tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc. Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao về năng lực, tính chuyên nghiệp, kỷ luật và khả năng thích ứng trong môi trường đa quốc gia, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và an ninh phức tạp.
Mục tiêu đến năm 2030, triển khai được từ 1 đến 2 đơn vị mới tại các phái bộ phù hợp; ứng tuyển 1 vị trí cá nhân vào vị trí cấp cao. Từ năm 2030 trở đi, có từ 3 đến 7 đơn vị ở cấp độ 2, 3 trên Hệ thống đánh giá năng lực sẵn sàng triển khai của Liên hợp quốc để triển khai khi có đề nghị của Liên hợp quốc và ứng tuyển thành công từ 2 vị trí cá nhân cấp cao trở lên; tham gia sâu, rộng hơn vào hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trở thành một trong những quốc gia trong khu vực và trên thế giới có đóng góp lớn vào hoạt động này.
Nguyên Nhung
Bình luận