Đây là chuyên đề giám sát thiết thực và có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn mới, cần nguồn nhân lực chất lượng cao làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững.
Trình bày báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát, Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, nguồn nhân lực của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô nguồn nhân lực có bước phát triển, cơ cấu ngày càng phù hợp hơn; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động được nâng lên; năng suất lao động, việc làm, thu nhập của người lao động có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, năm 2024, cả nước còn khoảng 38 triệu người chưa qua đào tạo; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 28,3%. Nguồn nhân lực chất lượng cao chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn, gây mất cân đối vùng miền.

Một trong những giải pháp được Đoàn giám sát đề xuất là ưu tiên đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm, để hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tích hợp xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số…
Dưới góc nhìn của mình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội Phan Văn Mãi cho rằng, từ những bất cập trong việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đặt ra yêu cầu đổi mới giáo dục, kể cả giáo dục phổ thông.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho rằng, điều quan trọng là sau đợt giám sát phải có được cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo Phó Thủ tướng, trước hết cần xác định rõ khái niệm “nguồn nhân lực chất lượng cao” và phạm vi của lực lượng này, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và triển khai các giải pháp hiệu quả. Thứ hai, để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, cần làm rõ đào tạo chuyên sâu cho những ngành, lĩnh vực nào và xác định rõ đối tượng đào tạo cụ thể. Cùng với đó, phải có cơ chế chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ có giải pháp hiệu quả để khắc phục bất cập, hạn chế, yếu kém về chất lượng nguồn nhân lực, số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao; phân bố nguồn nhân lực; trình độ chuyên môn kỹ thuật; năng suất lao động. Nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho các lĩnh vực cần đột phá. Đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết giám sát bảo đảm chất lượng, các nhiệm vụ, giải pháp cần cụ thể, khả thi gắn với thời gian thực hiện, tập trung vào 3 vấn đề then chốt là hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; sử dụng nguồn nhân lực để tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới của đất nước.
Bình luận