TP.HCM: Cảnh báo sốt xuất huyết gia tăng tại nhiềuđịa phương
VOV1 - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đang ở mức báo động. Tính tích lũy trong 27 tuần đầu năm 2025, thành phố ghi nhận 14.370 ca bệnh.

# Bộ Y tế vừa có Chỉ thị về việc tăng cường quản lý trong lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Chỉ thị của Bộ Y tế cũng nêu rõ, thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng tiêu cực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hoà, Trung tâm pháp y tâm thần Miền núi phía Bắc gây bức xúc trong dư luận xã hội.

# Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ; Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc về việc đảm bảo cung ứng thuốc. Theo Cục Quản lý Dược trong thời gian gần đây, một số tình hình, diễn biến trên thế giới và trong nước có thể ảnh hưởng đến nguồn cung ứng thuốc. Để đảm bảo việc cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trước những tình hình, diễn biến về dịch bệnh, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế trên địa bàn xây dựng kế hoạch và triển khai mua sắm thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

# Tại Việt Nam, dịch sốt xuất huyết đã bắt đầu vào mùa cao điểm. Tại hội nghị "Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025", Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay sốt xuất huyết vẫn nằm trong tầm kiểm soát tuy nhiên với điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển nguy cơ bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Kinh nghiệm thực tế những năm gần đây cho thấy số trường hợp mắc sốt xuất huyết thường có xu hướng gia tăng từ tháng 6 – 12 hàng năm. Chu kỳ xảy ra các đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết giữa các năm có xu hướng ngắn hơn so với trước, từ khoảng 5 năm một đợt bùng phát xuống còn 3-4 năm trong những năm gần đây.

# Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đang ở mức báo động. Tính tích lũy trong 27 tuần đầu năm 2025, thành phố ghi nhận 14.370 ca bệnh, tăng đột biến 153,3% so với cùng kỳ năm 2024 (8,696 ca). Cũng trong thời gian này, toàn địa bàn ghi nhận tổng cộng 6 ca tử vong do sốt xuất huyết. Trước tình hình này, ngành y tế thành phố khẩn trương triển khai hàng loạt biện pháp ứng phó. Công tác giám sát dịch tễ, xử lý ổ dịch và đánh giá các điểm nguy cơ được tăng cường tối đa. Ngành y tế TPHCM khuyến cáo người dân không chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại hộ gia đình, cộng đồng và các cơ sở công cộng.

# Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhi 2 tuổi bị bỏng 60% bằng phương pháp ghép da đồng loại. Cụ thể, bệnh nhi 2 tuổi,ở tỉnh Gia Lai nhập viện trong tình trạng nguy kịch với diện tích bỏng lên đến 60% cơ thể, bao gồm các vùng: Cổ, ngực, bụng, lưng, mông, hai tay và hai đùi. Đây là một trong những mức độ bỏng có nguy cơ tử vong rất cao ở trẻ nhỏ do mất nước, mất dịch và rối loạn điện giải nghiêm trọng. Trước nguy cơ đe dọa tính mạng, các bác sĩ đã quyết định chỉ định ghép da đồng loại sớm – một kỹ thuật can thiệp đặc biệt nhằm đẩy nhanh quá trình hồi phục và kiểm soát nhiễm trùng. Người hiến da là mẹ ruột của bé. Ca ghép da được thực hiện thành công giúp bệnh nhi vượt qua giai đoạn nguy hiểm, tình trạng của bé có cải thiện rõ rệt sau ghép, các vùng da ghép bắt đầu lành đáy và phục hồi tốt.

# Theo PGS.TS. thầy thuốc nhân dân Đinh Ngọc Sỹ, Chủ tịch Hội lao và bệnh phổi Việt Nam, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có nhiều phương pháp để để điều trị, phòng ngừa bệnh phát triển một cách hiệu quả. Đối với phổi tắc nghẽn mãn tính, bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng đến mục tiêu điều trị là giảm các triệu chứng của bệnh, đẩy lùi, làm chậm sự phát triển bệnh, cải thiện gắng sức, ngăn ngừa và điều trị biến chứng; giảm các đợt tái phát. Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh. Dùng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bỏ thuốc lá, thuốc lào; tránh hít phải khói thuốc, hạn chế tiếp xúc với các loại khói, khí kích thích. Luyện tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận