Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ đã mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng và cả doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Tuy nhiên, kéo theo đó là các đối tượng lợi dụng kinh doanh thương mại điện tử để lừa đảo; kinh doanh hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu… gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh chân chính. Để hạn chế tình trạng này, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật để thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh, bền vững.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TMĐT và để thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan; tạo điều kiện cho TMĐT phát triển bền vững, có trật tự, làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế số, Bộ Công Thương đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử và dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025. Dự thảo Luật Thương mại điện tử đang được xây dựng với 8 chương, 40 điều, tập trung vào các nội dung chính, như: Những quy định chung, các khái niệm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nguyên tắc hoạt động; giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên nền tảng số thương mại điện tử; hoạt động thương mại điện tử quyền và nghĩa vụ của các bên…
Các chuyên gia cho rằng, sự tham gia ngày càng sâu của các tập đoàn thương mại điện tử nước ngoài, đặc biệt với lợi thế hàng giá rẻ, mạng lưới giao vận hiện đại và hỗ trợ từ mô hình kinh doanh công nghệ đang tạo sức ép cạnh tranh lớn cho hàng hóa Việt Nam. Vì thế, cần xây dựng khung khổ pháp lý chặt chẽ hơn để vừa khuyến khích những mô hình kinh doanh mới, vừa đảm bảo cạnh tranh bình đẳng với sản phẩm trong nước.
Bình luận