Đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao cần gắn liền với hợp tác "3 nhà"
VOV1 - Số lượng người học ngành STEM ở nước ta thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Để thúc đẩy tăng số lượng và chất lượng người học nhóm ngành này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa “3 nhà”.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2035 và định hướng tới năm 2045. Quan điểm chung của đề án là mở rộng đào tạo trình độ cao, chất lượng cao trong các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán học) nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về cơ cấu nhân lực của các lĩnh vực công nghệ cao. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, số lượng người học ngành STEM ở nước ta thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Bộ đang xây dựng Nghị định chính sách học bổng cho người học các ngành học STEM và đã lấy ý kiến các bộ ngành, dự kiến trong tháng 7 này trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo các chuyên gia, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao cần có sự hợp tác giữa nhà nước- nhà trường- doanh nghiệp, hay còn gọi là mô hình hợp tác “3 Nhà”. Hợp tác này nhằm huy động, khai thác có hiệu quả các nguồn lực, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với thị trường lao động và nền kinh tế, đáp ứng tốt nhất nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học- công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tại hội nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây để triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2035 và định hướng tới năm 2045, đại diện các trường đại học đều khẳng định, Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ của Trung ương sẽ giúp khơi thông các điểm nghẽn trong hợp tác, nghiên cứu, chuyển giao giữa “3 Nhà” trong thời gian tới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, Bộ dự kiến ban hành chuẩn chương trình đào tạo tài năng và xây dựng các tiêu chí đánh giá, xét chọn chương trình, cơ sở được tham gia đào tạo. Đây là một trong những nhiệm vụ để triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2035 và định hướng tới năm 2045 mà Thủ tướng đã phê duyệt.

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận