Xúc tiến, quảng bá du lịch “Bắc Giang - điểm đến du lịch xanh Việt Nam”
VOV1 - Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2025, chiều 11/4, Sở Văn hóa, Thể thao Và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Xúc tiến điểm đến Du lịch Bắc Giang với chủ đề “Bắc Giang - điểm đến du lịch xanh Việt Nam”.

Bắc Giang hiện có 2.237 di tích được trải khắp 10 huyện, thị xã, thành phố và sở hữu 4 di sản thế giới (gồm di sản phi vật thể dân ca quan họ, ca trù, Thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản Tư liệu ký ức thế giới, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương); 17 di sản văn hóa phi vật quốc gia tiêu biểu.

Bắc Giang xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; mục tiêu đến năm 2030 hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh có quy mô lớn có thương hiệu, định hướng từng bước phát triển trở thành khu du lịch quốc gia, là điếm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Hội nghị do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang tổ chức nhằm xây dựng hình ảnh du lịch tỉnh Bắc Giang thông qua liên kết thành một hành trình du lịch xanh; đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết quảng bá, xây dựng, định vị thị trường; giới thiệu chương trình kích cầu du lịch năm 2025, giới thiệu các điểm đến du lịch mới, hấp dẫn du khách. Đây cũng là dịp để các đại biểu thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, mở rộng hợp tác, thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Du lịch Bắc Giang.

Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa khẳng định, với hệ thống di sản phong phú, thiên nhiên ưu đãi và bản sắc văn hóa đặc trưng, Bắc Giang đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch toàn diện, bền vững. Tỉnh hiện có hơn 2.237 di tích; trong đó nổi bật là chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, các địa danh như: hồ Cấm Sơn, Khe Rỗ, Tây Yên Tử... Cùng với 4 di sản được UNESCO công nhận, nhiều lễ hội đặc sắc và vùng cây ăn quả nổi tiếng ở Lục Ngạn, Lục Nam, Bắc Giang đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn tại miền Bắc. Tỉnh hiện tập trung phát triển 4 loại hình du lịch chủ lực: văn hóa - tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng, vui chơi - thể thao, du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và làng nghề. Địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 3 triệu lượt khách, tạo 6.000 việc làm; đến năm 2030 đón 7,5 triệu lượt khách, tổng thu 7.500 tỷ đồng.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu đóng góp cho sự phát triển lâu dài của tỉnh, bà Đặng Bích Thọ, Trưởng đại diện Công ty Du lịch Phượng Hoàng cho biết, Bắc Giang chỉ cách Hà Nội khoảng 100 km, giao thông đi lại rất thuận tiện. Tuy nhiên, tốc độ phát triển du lịch của Bắc Giang vẫn còn khá chậm so với nhiều địa phương khác. Nhìn chung, các điểm đến vẫn mang tính rời rạc, thiếu sự kết nối. Bà Thọ đưa ra ví dụ, trái cây như cam, vải chỉ có khoảng 4 tháng mùa vụ, vậy 8 tháng còn lại, du lịch Bắc Giang sẽ vận hành ra sao? Điều này đòi hỏi phải xác định rõ đối tượng phục vụ: khách nội địa hay quốc tế. Mỗi dòng khách có nhu cầu, kỳ vọng và tiêu chuẩn hoàn toàn khác nhau, từ dịch vụ đến cách tổ chức.

Dưới góc độ cơ quan quản lý ngành du lịch Thủ đô, ông Nguyễn Trần Quang, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Hai địa phương cần phối hợp tạo ra các sản phẩm mới, độc đáo để kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao trải nghiệm cho du khách, đồng thời phát triển các tour tuyến chung nhằm thu hút nhiều hơn khách trong nước và quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát thị trường, cùng thiết kế những sản phẩm “may đo” phù hợp với thị hiếu du khách hiện đại. Bên cạnh đó, hai bên cần đẩy mạnh xúc tiến và quảng bá chung, tăng cường truyền thông về điểm đến và sản phẩm du lịch nổi bật nhằm mở rộng thị trường khách trong và ngoài nước. ông Quang cho biết: “Hà Nội sẵn sàng chia sẻ không gian xúc tiến tại các hội chợ, sự kiện du lịch quốc tế để cùng quảng bá hình ảnh và sản phẩm của Bắc Giang. Chúng tôi kỳ vọng có thể cùng nhau xây dựng một chuỗi sản phẩm du lịch vùng, đủ hấp dẫn để cạnh tranh trên bản đồ du lịch quốc tế”.

Cùng với lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch, hiện nay Bắc Giang đang xây dựng phát triển 4 loại hình sản phẩm du lịch chủ lực gồm: du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thuỷ cho rằng để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Bắc Giang, tỉnh cần quan tâm phối hợp để liên kết đi vào thực chất, hiệu quả, thường xuyên tổ chức các nhóm công tác phối hợp chia sẻ, nắm bắt tình hình sản phẩm, khách hàng, quảng bá xúc tiến nhằm tận dụng thế mạnh của tỉnh với các sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng dựa trên giá trị lịch sử, văn hóa và lợi thế tài nguyên tự nhiên với chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao; chú trọng kết nối với các vùng, miền trong cả nước để đa dạng hóa nguồn khách hàng. Đặc biệt là các tỉnh, thành phố là trạm trung chuyển khách trong và ngoài nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn và TP. Hồ Chí Minh…

Nhân sự kiện này một số biên bản ghi nhớ hợp tác cũng đã được ký kết giữa các bên gồm: Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Giang và Liên Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác liên kết phát triển điểm đến du lịch Xanh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2025-2030. Công ty Cổ phần du lịch và Quản lý điểm đến SGO cũng đã ký Biên bản ghi nhớ Hợp tác liên kết phát triển điểm đến du lịch giữa với Chi hội Lữ hành - Vận tải du lịch tỉnh Bắc Giang và Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến Du lịch tỉnh./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận