Việt Nam cần 1 tỷ USD để hiện thực hóa giấc mơ đô thị thông minh, định hình tương lai bất động sản
VOV1 - Diễn đàn CICON 2025 vừa diễn ra tại Hà Nội, tập trung vào chủ đề "Đổi mới sáng tạo vì đô thị thông minh bền vững". Sự kiện quy tụ các chuyên gia, doanh nhân và nhà đầu tư quốc tế nhằm vạch ra lộ trình kiến tạo thành phố thông minh mang bản sắc Việt.

Việt Nam sẵn sàng bứt phá với đô thị thông minh giai đoạn 2025–2030

Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong hành trình phát triển đô thị thông minh, chuyển từ nghiên cứu và định hình sang triển khai thực tiễn. Các chuyên gia nhận định, với nền tảng pháp lý ngày càng hoàn thiện và thực tế đô thị hóa tại các thành phố lớn, Việt Nam đang tạo đà cho một giai đoạn đột phá.

Các dự án Smart City trước đây tại Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực và sự đồng bộ. Tuy nhiên, giai đoạn 2025-2030 được kỳ vọng sẽ bùng nổ khi Smart City trở thành chủ trương trọng tâm của Chính phủ và nhận được sự đồng hành mạnh mẽ từ Hàn Quốc – quốc gia dẫn đầu về giải pháp đô thị thông minh. Chuyên môn của Hàn Quốc về IoT, AI và hạ tầng bền vững hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của Việt Nam.

Việt Nam sẽ xây dựng mô hình Smart City mang bản sắc riêng, tiên phong thay vì sao chép các mô hình quốc tế. Khung Thành phố Thông minh độc đáo này sẽ phản ánh bản sắc quốc gia, định hình lại tương lai bất động sản và tạo đòn bẩy cho chuỗi cung ứng xây dựng. Mục tiêu đến năm 2030 là các thành phố không chỉ thông minh mà còn tái định nghĩa cuộc sống đô thị, kết hợp công nghệ với nhân văn và thiết lập chuẩn mực toàn cầu cho phát triển bền vững.

Chính sách và công nghệ: Động lực kép cho đô thị thông minh

Theo ông Trần Đình Tùng, Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Việt Nam, giai đoạn 2025–2030 sẽ là thời kỳ then chốt để Việt Nam hiện thực hóa các đô thị thông minh. Hai nghị quyết quan trọng – Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 57-NQ/TW về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số – đang mở ra cơ hội lớn. Những chính sách này không chỉ thúc đẩy dòng vốn từ khu vực tư nhân mà còn tạo nền tảng cho hạ tầng công nghệ số, hai yếu tố cốt lõi để xây dựng các thành phố hiện đại.

Bên cạnh đó, việc tinh gọn bộ máy hành chính và tái cơ cấu các đơn vị hành chính cấp tỉnh giúp các địa phương linh hoạt hơn trong việc triển khai các dự án. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu liên thông và minh bạch hóa đang trở thành “xương sống” cho quá trình số hóa quản lý đô thị, đảm bảo hiệu quả và bền vững.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, sau Cicon, chúng tôi đang làm việc với một số tập đoàn BĐS lớn tại Việt Nam trong việc triển khai thí điểm các đô thị thông minh tại 5 thành phố là Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh. Để làm được điều đó, Việt Nam cần ít nhất 1 tỷ USD với sự đồng hành và chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc. CICON 2025 được tổ chức như một đòn bẩy cơ hội, kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các quốc gia như Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia…, ông Tùng cho hay.

Học hỏi quốc tế, hợp tác chiến lược

Dù đi sau một số quốc gia, Việt Nam có lợi thế học hỏi từ các mô hình thành công như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Úc. Đặc biệt, Hàn Quốc – nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam – đang trở thành đối tác chiến lược quan trọng. Việc khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Đầu tư đô thị thông minh Việt – Hàn (VKC) vào cuối năm 2024 là minh chứng cho sự hợp tác sâu rộng, từ chia sẻ kinh nghiệm đến chuyển giao công nghệ.

Lấy ví dụ từ Sejong, thành phố thông minh tiêu biểu của Hàn Quốc, Việt Nam có thể học hỏi cách tích hợp công nghệ AI để tối ưu hóa giao thông, giảm 30% thời gian di chuyển, hay sử dụng IoT để giám sát tài nguyên, tiết kiệm năng lượng. Tương tự, tại Busan, hệ thống IoT đã giúp giảm 15% ô nhiễm không khí, một bài học quý giá cho các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội hay TP.HCM.

Những năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng trưởng nhanh, cho thấy mối quan hệ hợp tác kinh tế ngày một chặt chẽ giữa hai nước. Năm 1992, đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam là 500 triệu USD, đến cuối năm 2024 đã lên 86,8 tỉ USD. Con số này dự kiến vượt qua 100 tỉ USD trong vòng hai đến ba năm tới.

Với vị trí địa lý chiến lược và chính sách thu hút FDI cởi mở, với dân số lên tới 100 triệu người lại trẻ và năng động, tốc độ đô thị hóa nhanh, Việt Nam ngày càng nổi lên là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhà đầu tư Hàn Quốc. Bên cạnh đó là sự tương đồng văn hóa giữa Hàn Quốc và Việt Nam, cùng tinh thần đổi mới sáng tạo, tạo nên sức hút mạnh mẽ cho các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Nguồn vốn và cơ hội từ các “đầu tàu”

Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng và Đà Nẵng được xem là những địa phương tiên phong trong triển khai đô thị thông minh. Theo ước tính, mỗi thành phố cần khoảng 200 triệu USD để phát triển toàn diện, đưa tổng vốn đầu tư cho 5 đô thị này lên tới 1 tỷ USD trong giai đoạn đầu. Ông Vincent Phạm, Chủ tịch IOTA Capital, nhấn mạnh vai trò của dòng vốn FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và cả các nước châu Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, nơi ưu tiên các dự án đạt chuẩn ESG. Ngoài ra, dòng vốn từ Trung Đông cũng đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam.

Theo ông Trần Đình Tùng, đô thị thông minh không chỉ là mô hình quản trị hiện đại mà còn tạo động lực mới cho ngành bất động sản. Sự phát triển của các thành phố thông minh sẽ kéo theo hàng loạt ngành phụ trợ như xây dựng, công nghệ và dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số trong tương lai.

Bà Phạm Thị Thúy An, Trưởng ban tổ chức Hội nghị Cicon 2025, nhấn mạnh rằng Việt Nam cần xây dựng các đô thị thông minh mang bản sắc riêng, tích hợp công nghệ tiên tiến như AI, IoT, Blockchain, nhưng vẫn phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội trong nước. Thay vì phụ thuộc vào một nhà đầu tư hay công nghệ duy nhất, Việt Nam có thể đóng vai trò “chủ nhà”, tạo sân chơi mở để thu hút chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực trong nước.

Với sự kết hợp giữa chính sách đột phá, hợp tác quốc tế và nguồn lực tài chính dồi dào, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để kiến tạo các đô thị thông minh, hiện đại và bền vững. Giai đoạn 2025–2030 hứa hẹn sẽ là thời điểm Việt Nam vươn mình, khẳng định vị thế trong bức tranh đô thị hóa của khu vực và thế giới./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận