Tham dự toạ đàm có đại diện lãnh đạo và thành viên Uỷ ban Văn hoá và Xã hội, Uỷ ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Cục Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế), Cục Khoa học công nghệ và Thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an)…
Tập trung thảo luận việc kết nối VNeID trong các lĩnh vực thiết yếu của đời sống như y tế, giáo dục, thương mại điện tử, đăng ký định mức sử dụng điện, nước sinh hoạt…, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan đã chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tối ưu hóa ứng dụng VNeID, hướng tới mục tiêu số hóa toàn diện, bền vững.

Bà Đặng Thị Oanh, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Sắp tới sẽ đề xuất, thậm chí là đưa vào trong Luật Giáo dục vấn đề thực hiện học bạ số, có giá trị tương đương với học bạ giấy. Đương nhiên, học bạ số có thể tham gia vào các dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch phát hành văn bằng số. Tháng 8 tới, chúng tôi sẽ thí điểm phát hành 1.000.000 văn bằng số của học sinh tốt nghiệp năm 2024. Các em học sinh có thể xem văng bằng số ngay trên ví điện tử VNeID của mình. Còn với văn bằng giấy thì chúng tôi vẫn phát để mang ý nghĩa tinh thần, còn văn bằng số là để tham gia vào dịch vụ công trực tuyến toàn trình.”
Đối với lĩnh vực y tế, đại diện Cục Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế) và một số đại biểu Quốc hội đã thảo luận về triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, mua thuốc trực tuyến trên VNeID và tiến tới có thể bổ sung thực hiện việc kê đơn thuốc trực tuyến và quản lý thông tin khám chữa bệnh toàn dân một cách hiệu quả… Trong lĩnh vực thương mại điện tử, đại diện Bộ Công thương cho rằng, người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử phải được định danh…

Chia sẻ về trải nghiệm làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhà báo Trần Xuân Toàn, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ cho biết, từ giữa tháng 4 năm nay, hành khách bay nội địa có thể thực hiện toàn bộ hành trình chỉ với một lần xác thực khuôn mặt, thay thế hoàn toàn việc xuất trình căn cước công dân. Hệ thống sử dụng tính năng "dịch vụ hàng không" trên ứng dụng VNeID cho phép người dùng có tài khoản định danh mức 2 hoàn tất các bước thủ tục một cách nhanh chóng và thuận tiện.
"Cá nhân tôi khi bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, đã trải nghiệm việc xác thực khuôn mặt để check in vào nhà ga T3 không sử dụng "giấy tờ vật lý" và tôi cảm giác rất thoả mái. Những câu hỏi, thắc mắc của tôi trước đây đã được giải tỏa. Việc ứng dụng VNeID thuận lợi và hiệu quả như vậy, tại sao chúng ta không nhân rộng ra những lĩnh vực khác nữa?”- Nhà báo Trần Xuân Toàn cho biết thêm.
Cũng tại cuộc toạ đàm, cán bộ Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cho biết, ngoài việc cấp tài khoản định danh cá nhân cho 62 triệu người dân, đến nay cơ quan công an đã cấp 292 triệu tài khoản định danh cho tổ chức. Từ ngày 1/7 tới, toàn bộ cơ quan, tổ chức khi thực hiện trên môi trường dịch vụ công phải thực hiện bằng tài khoản định danh của tổ chức, giống như của cá nhân đã áp dụng từ 1/7/2024. Dự kiến cũng từ ngày 1/7/2025 cơ quan công an sẽ cấp tài khoản định danh cho người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam./.
Văn Hải/VOV1
Bình luận