TAGOM – Hành trình chung tay tái sinh rác thải
VOV1 - Những món đồ tưởng chừng không giá trị, khi được trao cơ hội "tái sinh" sẽ trở thành nguồn tài nguyên mới. Đó là câu chuyện của Tagom – một dự án môi trường do nhóm bạn trẻ tâm huyết sáng lập, đồng hành cùng người dân phân loại và tái chế rác, góp phần xây dựng một lối sống xanh và bền vững.

Đều đặn mỗi buổi sáng, nhiều người dân ở khu vực quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội lại cùng nhau làm một việc nhỏ với mục đích bảo vệ môi trường:

“Hàng ngày, mình thu gom rác không phân hủy được, sau đó vệ sinh sạch, phơi khô, rồi để riêng tại một khu. Cuối tuần, mình sẽ mang rác đến để phân loại và đem đi xử lý”.

 “Lúc trước mình chỉ gom rác cho các cô đồng nát thôi. Khi biết đến các bạn, mình mới nhận ra rằng rác này không chỉ là rác mà còn là tài nguyên để sản xuất ra những món đồ khác có thể tái sử dụng nhiều lần.”

 “Các tình nguyện viên ở đây có hướng dẫn cho mình, có những hình ảnh sinh động để người mang rác đến có thể phân chia một cách rõ ràng”.

Tagom chính là nơi tạo ra cơ hội để mọi người được tự mình đóng góp những giá trị tích cực và tốt đẹp cho cộng đồng. Thông qua dự án, nhiều người dân đã thay đổi nhận thức và tích cực tham gia phân loại rác tại nguồn trước khi mang đến xử lý tại Tagom.

Được sáng lập bởi hai thành viên vào năm 2022, hiện nay số lượng thành viên của Tagom đã lên tới 30 người. Với sứ mệnh lan tỏa lối sống xanh, Tagom không chỉ tiếp nhận rác thải mà còn chú trọng vào việc hướng dẫn người dân phân loại và xử lý rác ngay tại nguồn. Cái tên "Tagom" mang ý nghĩa "chúng ta cùng gom", thể hiện tinh thần chung tay hành động vì môi trường. Bạn Nguyễn Thị Thuỳ Linh - đồng sáng lập dự án Tagom chia sẻ:

 “Chúng mình sẽ hướng dẫn người dân cần phải vệ sinh rác từ nhà. Bởi vì khi rác sạch thì mọi người mới có thể tích trữ được ở nhà 1 thời gian và sau đấy mới mang đến đây phân loại. Mọi người đến đây sẽ được thực hành phân thành rất nhiều loại và sẽ hiểu rác sau khi phân loại xong sẽ được xử lý như thế nào, mình có các sản phẩm tái chế để mọi người xem và hiểu được hành trình tái chế của rác.”

Quyết tâm theo đuổi hành trình tái chế rác đến tận cùng, Thùy Linh và các cộng sự không ngừng tìm kiếm phương pháp xử lý hiệu quả nhất. Nhờ đó, lượng rác được thu gom và tái chế tại Tagom ngày càng tăng.

 “Trung bình mỗi tháng mình có thể có từ 300-500 lượt khách. Lượng rác giai đoạn đầu sẽ tầm 500-700 cân và đến hiện tại có thể đến 2 tấn 1 tháng, đặc biệt là rác sinh hoạt của người dân. Mỗi loại sau khi phân ra xong sẽ dán nhãn, tập kết tại kho và khi mà đủ chuyến sẽ chuyển đến từng nhà máy, các nhà máy tái chế mà mình làm việc có tiêu chuẩn cao, được bộ tài nguyên và môi trường cấp phép.”

Mỗi ngày, các tình nguyện viên của Tagom lại tất bật với công việc thu nhận rác từ người dân, tỉ mỉ phân loại thành từng nhóm rác cụ thể như: thủy tinh, ni-lông cứng, ni - lông mềm, nhựa dễ tái chế và nhựa khó tái chế. Nhờ sự hướng dẫn chi tiết và cẩn thận của các tình nguyện viên, việc phân loại rác cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Đồng hành với Tagom từ khi dự án bắt đầu thành lập, bạn Nguyễn Thảo Yến không chỉ coi đây là một công việc tình nguyện, mà còn là cơ hội để gắn kết mọi người với nhau và cùng nhau lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường.

 “Ở Tagom mình thấy có điều đặc biệt là mọi người rất gắn kết với nhau, đặc biệt anh chị founder luôn tiếp thêm nguồn năng lượng cho tất cả các thành viên, để mọi người duy trì dự án này. Nó khiến cho mọi người cảm thấy dự án này là của mình và mình luôn phải làm hết sức, góp phần phát triển dự án ngày một tốt hơn và lan tỏa tới nhiều người hơn. Mình thấy bản thân được giải phóng năng lượng khi giúp mọi người. Đối với hoạt động xã hội thì mình không tính toán hay nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ cần giúp đỡ mọi người thôi là mình vui rồi.”

Với sự thay đổi tích cực của bản thân sau thời gian gắn bó với Tagom, bạn Bùi Minh Long mong muốn được lan tỏa những việc làm nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa của mình đến với nhiều người hơn.

 “Mình sẽ cố gắng tuyên truyền giúp các bạn hiểu về rác thải. Mặc dù đây là những hoạt động nhỏ, nhưng nếu chúng ta hành động cùng nhau, chúng ta sẽ góp phần tạo ra một môi trường sạch sẽ hơn.”

Tagom đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng nhờ những hoạt động thiết thực và ý nghĩa. Chị Phạm Vũ Ngọc Anh và chị Lê Thị Trang tại quận Thanh Xuân bày tỏ mong muốn rằng những nỗ lực này sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực trong cộng đồng.

“Mình thấy hoạt động của Tagom rất ý nghĩa. Mình cũng hy vọng với sự nhiệt tình của Tagom, với những bạn trẻ rất nhiệt huyết về vấn đề môi trường thì các bạn ấy có thể thay đổi được suy nghĩ của mỗi người và từ đó giúp môi trường sống của chúng ta trong sạch hơn.”

 “Mình thấy các hoạt động của các bạn cực kỳ có ý nghĩa. Nó không chỉ bảo vệ môi trường mà cũng góp phần thúc đẩy ý thức của những người trẻ, những người dân để cùng chung tay bảo vệ môi trường.”

Gửi đi những túi rác và nhận lại được niềm vui và những điều tích cực. Hành trình tái sinh rác thải không chỉ là một nỗ lực bảo vệ môi trường, mà còn là lời nhắc nhở rằng những thay đổi lớn luôn bắt đầu từ những hành động nhỏ. Khi mỗi người góp một phần nhỏ bé, rác không còn là thứ vứt bỏ đi, mà trở thành tài nguyên, trở thành hy vọng cho một tương lai xanh hơn. Và trên hành trình đó, Tagom vẫn sẽ tiếp tục đồng hành, gieo từng hạt mầm ý thức để chúng ta cùng nhau xây dựng một môi trường trong lành, bền vững hơn​./.

CTV Phương Linh-Nhật  Minh-Thùy Dương-VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận