Sự kiện 30/04 trong mắt những người bạn quốc tế
VOV1 - Bất kể đến từ quốc gia nào, nhưng khi hòa mình vào không khí kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chắc hẳn nhiều người bạn quốc tế đều có chung cảm nhận về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam.

Dịp 30/4 năm nay, khắp các đường phố rực rỡ cờ đỏ sao vàng, kỉ niệm Đại thắng mùa Xuân năm 1975- mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tất cả để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng bạn bè quốc tế, như một câu chuyện sống động về khát vọng hòa bình, tự do và sức mạnh đoàn kết của dân tộc. Mỗi người nước ngoài có mặt ở Việt Nam dịp này lại có những cảm xúc riêng khi được chiêm ngưỡng những màn biểu diễn nghệ thuật ấn tượng, lễ diễu binh, diễu hành hào hùng hay ghé thăm các bảo tàng, triển lãm lịch sử. Trong đó, phải kể đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh thu hút khoảng 500.000 lượt khách tham quan mỗi năm, với hai phần ba trong số đó là người nước ngoài, hay địa đạo Củ Chi- nơi khoảng 1,5 triệu người đến đây mỗi năm với mong muốn tìm hiểu về lịch sử. Anh Buono, một du khách người Italia cho biết:

“Đây có thể là một góc nhìn thú vị, tận mắt thấy, tự trải nghiệm thực tế, giúp tôi hiểu rõ hơn về diễn biến của chiến tranh, về cách người dân Việt Nam đã chiến đấu và tự bảo vệ mình”.

Chiến tranh đã để lại "vết sẹo" cho không ít binh lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam, trong đó có ông Chuck Searcy. Và đối với ông, ký ức về ngày 30.4.1975 vẫn còn đó:

"Vào ngày 30.4.1975, khi những chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập, tôi đang ở Mỹ, tôi xem sự kiện đó trên tivi. Và nó thực sự khiến tôi rơi nước mắt vì quá xúc động, đối với tôi, đó là cảm giác nhẹ nhõm, giống như trút được một gánh nặng khủng khiếp vừa được trút bỏ, chiến tranh đã kết thúc".

Kỳ vọng mọi thứ sẽ thay đổi sau chiến tranh đã đưa ông Chuck Searcy trở lại Việt Nam và cơ duyên gắn bó với mảnh đất hình chữ S. Tại Việt Nam, ông Searcy đồng sáng lập Dự án Renew để giúp đỡ những người bị thương nặng do bom mìn và dạy trẻ em tránh xa hiểm họa này.

"Sau nhiều năm tôi vẫn tham gia dự án Renew, một nỗ lực giải quyết hậu quả của chiến tranh đã gây ra quá nhiều đau thương cho người dân Việt Nam. Bom và mìn đã giết chết và làm bị thương hơn 100.000 người Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975. Cũng như chất độc màu da cam, thứ đã gây ra nỗi thống khổ khủng khiếp cho hàng nghìn gia đình".

Dự án Renew cũng triển khai các đội rà phá bom mìn để dọn sạch các loại bom chưa nổ còn sót lại từ 5-8 triệu tấn bom mà Mỹ thả xuống trong chiến tranh./.

 

Phương Anh/Ban Thời sự VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận