Cụ Lê Thị Huy, 85 tuổi, ở tổ 5, khu 3, phường Việt Hưng, tỉnh Quảng Ninh (vợ liệt sĩ Đặng Quang Thưởng, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ) luôn có hai nguyện ước: tìm được hài cốt của chồng và có một căn nhà khang trang để thờ phụng liệt sỹ, gìn giữ ký ức một thời máu lửa.
Tháng Bảy này, nguyện vọng thứ hai của người vợ Liệt sỹ đã trở thành hiện thực. Từ nguồn hỗ trợ 40 triệu đồng của ngân sách địa phương, sự đóng góp của con cháu và sự chung tay, giúp sức của hàng xóm láng giềng... căn nhà cấp 4 cũ nát được xây từ hơn 40 năm trước đã được sửa sang, kịp bàn giao trước ngày 27/7. Cụ Lê Thị Huy xúc động:
“Đợt trước, không có đợt hỗ trợ nhưng tôi vay sửa nhà, tôi có vay nhà nước được 10 triệu đồng nhưng sau lại nhường cho nhà khác vì họ khó khăn hơn, thế là không thể sửa nhà được. Nhà dột nát, xập xệ hết, trần hỏng hết rồi, cửa nếu để nguyên không sao, bỏ ra mọt hết, phải thay. Con tôi mới nói, đợt này Nhà nước hỗ trợ được bao nhiêu, phần còn lại chúng con sẽ lo liệu nên quyết định sửa đấy. Chủ trương của Nhà nước, Chính phủ quan tâm thì tôi thấy rất là mừng.”

Cách đó không xa, ông Trần Đình Biên, cựu dân quân tự vệ, từng được trao Huy chương Kháng chiến hạng Nhì cũng đang dõi theo từng lớp gạch, từng mảng tường được hoàn thiện cho ngôi nhà mới. Tuổi cao sức yếu không thể phụ giúp công việc nhưng ông Biên vẫn đến, chỉ để lặng lẽ ngắm ngôi nhà mới đang thành hình bằng ánh mắt rạng ngời niềm tin:
“Sau trận bão vừa rồi tôi mới nghĩ là xây nhà vì tôi đã già. Các con ở xa, không yên tâm nhất là mỗi lần mưa bão. Lần trước, Chủ tịch phường đến nói với tôi hỗ trợ 80 triệu và nếu đổ mái tầng 1 khó khăn thì các anh sẽ cho vay. Nhà nước hỗ trợ đồng nào hay đồng ấy còn chủ yếu gia đình. Từ hôm đào móng tôi cứ túc trực ở đây, may mà ông trời cho thấy khỏe ra mà đi lại. Từ nay về sau yên tâm lắm rồi. Hàng xóm này ai đi qua cũng chúc mừng.”

Theo thống kê, tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 306 hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sĩ cần hỗ trợ về nhà ở, trong đó 122 hộ cần xây mới và 184 hộ cần sửa chữa. Tỉnh đã xây dựng đề án hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, quyết tâm bàn giao nhà theo đúng tiến độ. Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND phường Việt Hưng cho biết:
“Toàn địa bàn phường có 8 gia đình người có công với cách mạng đăng ký sửa chữa và xây mới. Phường chỉ đạo các lực lượng phối hợp cùng với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể huy động các nguồn lực xã hội cùng với gia đình người có công tập trung xây mới, sửa chữa. Đến nay cơ bản nhà sửa chữa đã hoàn thành. Các nhà xây mới thì cam kết đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo, đảm bảo là người có công với cách mạng sẽ được trong các ngôi nhà mới, thể hiện tình cảm của nhân dân và của chính quyền địa phương.”

Trước đó, năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ cho 478 hộ người có công khó khăn về nhà ở (130 hộ xây mới, 348 hộ sửa chữa). Bên cạnh những hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành nhiều Nghị quyết riêng để hỗ trợ thêm cho thân nhân liệt sĩ, người có công. Hàng năm, tỉnh tổ chức tặng quà nhân dịp 27/7, Tết Nguyên đán, chăm lo cho trên 48.000 người có công và thân nhân, trong đó, hơn 8.300 người là cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học… Hiện mỗi tháng, Quảng Ninh chi trả hơn 12.000 suất trợ cấp thường xuyên, góp phần giúp các đối tượng chính sách ổn định cuộc sống, an tâm dưỡng già trong tình cảm tri ân của toàn xã hội. Đại tá Nguyễn Đình Khiêm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh bày tỏ:
“Đối tượng người có công ngày càng ít đi và các bác ngày càng tuổi cao hơn. Chúng tôi cũng đã tham mưu để thực hiện Đề án bảo đảm an sinh xã hội và đời sống các gia đình chính sách đảm bảo một cách tốt hơn, đủ đầy hơn so với chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo thế hệ trẻ của lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp thường xuyên với tỉnh đoàn và các đơn vị tự vệ ngành than để làm tốt công tác tuyên truyền hiện tốt mục tiêu thiết thực, tri ân đối với các gia đình có công…”.

Mỗi ngôi nhà được hỗ trợ xây mới hay sửa chữa không chỉ đơn thuần là nơi che mưa nắng, mà còn là minh chứng sống động cho tình cảm, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng với người đã không tiếc máu xương cho đất nước. Từ chủ trương đến hành động, từ chính sách đến từng viên gạch, mái ngói, tất cả đều góp phần vun đắp một mái ấm nghĩa tình, một truyền thống không bao giờ lãng quên: “Uống nước nhớ nguồn - Đền ơn đáp nghĩa”./.
Vũ Miền/VOV Đông Bắc
Bình luận