“Trong suốt 15 năm mình phát hiện ra là hầu như họ đều không tìm được xác và không có mộ, không có hài cốt. Nhiều người hy sinh rất thầm lặng và hầu như không để lại cái gì. Các nhà báo hy sinh tại chiến trường là hy sinh hai lần. Lần thứ nhất là bởi bom đạn; lần thứ hai là người ta quên lãng”.
Thưa quý vị và các bạn, từ năm 1997, một nhà báo đã nghỉ hưu bắt đầu cuộc hành trình âm thầm xuyên suốt các chiến trường Bắc - Nam, lần tìm tên tuổi của 512 nhà báo liệt sỹ. Ông đưa họ trở về bằng ký ức của những người đồng chí, đồng đội, của gia đình, khắc tên họ trên tấm bia tưởng nhớ và đưa về thờ tự tại chùa Da (hay còn gọi là chùa Âu Lạc), làng Lộc Đa, phường Vinh Lộc, tỉnh Nghệ An vào năm 2019. Ông cũng là tác giả của hai cuốn sách tập hợp chân dung các nhà báo liệt sĩ là "Khoảnh khắc và mãi mãi" và "Dáng đứng dưới tầm bom" viết về những nhà báo đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Nhắc đến ông, người ta còn nhớ đến bài thơ nổi tiếng: “Xin đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh” đã góp phần làm thay đổi dòng chữ: “Liệt sỹ vô danh” trên các bia mộ tại các nghĩa trang trên cả nước thành: “Liệt sỹ chưa xác định được thông tin” - ông là nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An.
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không mất tên Anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình
nỗi đau xanh cùng năm tháng.
Hy sinh của nhà báo ở chiến trường rất lớn nhưng mà viết về họ hoặc ghi công về họ chưa xứng đáng. Thực ra cũng có một số nhà báo được công nhận là anh hùng. Khi mình đưa các nhà báo về đây thì hầu như ngày nào cũng có hương khói và đặc biệt là ngày rằm, ngày tết đều làm cỗ chay, chứ bây giờ không có ai thờ cúng.
Một trong 3 ban thờ tại đây thờ tự 512 liệt sỹ là nhà báo, phóng viên của các cơ quan truyền thông, báo chí trên cả nước đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Điện ảnh Quân đội nhân dân, Đài Giải phóng... nơi đây cũng trưng bày nhiều kỷ vật thiêng liêng của các phóng viên, nhà báo như bút, máy ảnh, mũ…
Từ lúc gặp chúng tôi, trên tay nhà báo Trần Văn Hiền vẫn luôn cầm cuốn sách nhỏ bìa màu vàng nhạt với hình ảnh người chiến sỹ cầm máy quay hướng lên bầu trời. Dòng chữ đỏ nổi bật: “Dáng đứng dưới tầm bom”, cuốn sách ghi lại chân dung các nhà báo chiến sỹ.
Năm 1972 Điện ảnh Quân đội vào quay trung đoàn 280 bảo vệ thành phố Vinh thì Nông Văn Tư là người quay phụ tìm vị trí để quay toàn cảnh pháo ta đánh máy bay thì bộ đội trung đoàn 210 bảo: đứng chỗ đó máy bay lao xuống là các anh chết đầu tiên thì Nông Văn Tư là người dân tộc tày nói, đây mới là vị trí của chúng tôi bởi đứng ở đây chúng tôi mới bao quát được toàn bộ trận đánh, lấy được hình ảnh các anh bắn trả máy bay Mỹ nên mình lấy cái tứ đấy là: “Dáng đứng dưới tầm pháo”.
Ký ức về năm 1997 - khởi đầu của hành trình gần 15 năm ông đi tìm lại danh tính của hơn 500 liệt sỹ như những trang đầu tiên của cuốn sách bắt đầu được mở ra:
Cái đầu tiên, mình học khóa 2 Đại học báo chí, có 2 người bạn. Một là Vũ Hiến ở báo quân chủng Hải quân. Người thứ 2 là Bùi Văn Thiết. Bùi Văn Thiết khi hy sinh ở Lạng Sơn có thể xác nhận được bởi vì bị pháo kích thì tìm được nhưng với Vũ Hiến thì không xác định được, chỉ nói là hy sinh ở Campuchia thôi, không biết hy sinh ở đâu. Hy sinh năm 79 mà đến năm 2000 mình mới xác định được. Thì 2 người cùng hy sinh cả. tôi rất muốn viết về họ mà viết báo mà không có chi tiết thì không thể hay được. Nếu anh không đến được gia đình họ thì anh phải đến được đơn vị họ đã từng chiến đấu và tôi không biết bao lần ra cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, đến Báo Quân đội nhân dân, đến Điện ảnh quân đội, đến báo Phụ nữ để mình dựng lại chân dung đó khi họ còn tác nghiệp ở cơ quan đấy.
Có 2 may mắn của tôi là khi tôi làm báo Nghệ An tôi thường đi họi thảo ở phía Nam. Đặc biệt ở khu 6 chẳng hạn thì khu xà bị nó phá huỷ đến 6 lần, riêng ở phân xà này hy sinh đến 8 người. Đến năm tôi nghỉ hưu thì tôi đã làm được 380 gương mặt rồi thì tôi phải xin làm Tạp chí người làm báo Việt Nam để thường trú ở đấy nhưng đồng thời tôi có thể đi được. Thứ 2 là xin phép hội nhà báo Nghệ An là gửi công văn cho các hội nhà báo các tỉnh đề nghị các anh cung cấp thông tin về liệt sỹ các địa phương, đó là cách tập hợp. Cuốn “Cuốn dáng đứng dưới tầm bom” này mới chỉ làm được 2 nhiệm vụ. Nhất là giới thiệu những gương mặt cực kỳ điển hình, nhiệm vụ thứ hai là công bố 512 nhà báo trong đó chỉ ở Việt Nam mới có, là 66 nhà báo nữ từ bắc vào miền nam thì họ hy sinh ở chiến trường mất 19 người.
Nhạc nền nhẹ nhàng
Ngày 12/05/1967, đợt đánh phá thứ 5 dữ dội vào trung tâm và ngoại vi Hà Nội. Không quân Mỹ huy động 200 lượt máy bay ném bom, phóng tên lửa Xa-Rai vào sân bay Nội Bài…Nguyễn Đình Giảng trực tại trận địa phòng không khu vực Đê La Thành; Nguyễn Kôn, Nguyễn Mạnh Nhiễu bám trụ tại cụm pháo bảo vệ Đài phát sóng Mễ Trì và khu công nghiệp Thượng Đình. Nhận biết ống kinh tiêu cự của máy quay Konvas chỉ thu được hình ảnh 75m, Nguyễn Kôn bàn với phóng viên quay phụ leo lên nóc nhà cao tầng Trường Dân tộc nội trú. Vừa chọn được vị trí quay, một tốp phản lực đã lao tới. Quay hết cuốn thứ hai, một quả bom bi rơi xuống nổ trùm kín vị trí Nguyễn Kôn đứng. Toàn thân anh nham nhở vết bom bi. Nguyễn Kôn vĩnh viễn ra đi trong vòng tay và nỗi tiếc thương của đồng đội.
Ngày hôm ấy, Hà Nội đánh lớn, thắng to bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.600 trên miền Bắc”.
Nhạc nền nhẹ nhàng
Băng: tôi là Đại uý Dương Thái Bình, Điện ảnh quân đội nhân dân. Tôi quen biết nhà báo Văn Hiền qua một lần đọc tác phẩm của bác viết về chân dung các nhà báo “Dáng đứng dưới tầm bom”có bài viết về Liệt sỹ Nguyễn Kôn của Điện ảnh Quân đội hy sinh trong chiến tranh phá hoại miền Bắc năm 1967, bài viết đó là “Sống mãi với Thủ đô”. Hàng năm đơn vị với phường Hàng Đào đi viếng nghĩa trang thì tôi thấy ở Nghĩa trang Ngọc Hồi có phần mộ của bác Nguyễn Kôn tuy nhiên đang thiếu thông tin và có một số thông tin chưa chính xác. Qua bác Văn Hiền và những chính sách của đơn vị tìm người nhà của bác Nguyễn Kôn đính chính bia mộ cho bác Nguyễn Kôn, thêm ảnh chân dung của bác vào bia mộ.
Khi quay toàn cảnh Hà Nội đánh trả B52, Nguyễn Kôn leo lên một tầng cao chụp.Chúng đánh vào trận địa ấy, loạt bom bi đã ngắm trúng vị trí của Nguyễn Kôn và anh hy sinh ngay trên trận địa đó thì hình ảnh đó chính là báo Nguyễn Kôn, đang cầm máy quay phim đấy.
Nổi nhạc nền nhẹ nhàng
Hầu như các nhà báo khi bốc lên thì không còn hài cốt nữa. Trường hợp như Lê Đoan – bà ấy là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ giải phóng đồng thời kiêm Tổng biên tập Đài Giải phóng của Đồng Tháp Mười. Bốc lên thì chỉ còn có một mảnh khăn len. Đưa về chùa là vì đa số gia đình của họ đều không có người thân nữa, phần lớn đều ra đi hết cả rồi mà một điều quan trọng nhất là khi họ vào chiến trường thì ai thờ cúng họ. Như ông Hồ Ca, khi ông hy sinh rồi thì không có ai thờ cúng cả. Tất cả các trường hợp qua quá trình mình làm hồ sơ thì mình phát hiện ra họ rất thiệt thòi, chính vì vậy mình đưa về đây. Không đưa về đây thì không có ai thờ cúng.
Năm 2019, ngỏ ý được đưa danh tính 512 nhà báo liệt sỹ về thờ tự tại chùa Da, nhà báo Văn Hiền đã được sự ủng hộ và đồng hành rất lớn của sự thầy trụ trì - Đại đức Thích Đồng Tuệ:
Sự hy sinh, sự cống hiến của các anh, các chị nhà báo trong chiến trường rất là vĩ đại. Nhờ sự hy sinh đó thì chúng ta mới có được ngày hôm nay. Đây là một công trình lớn quá và mình muốn đồng hành với bác để đưa các anh linh nhà báo cách mạng Việt Nam tôn chí ở một nơi trang trọng.
Từng cộng tác với nhà báo Văn Hiền trong những bộ phim về đề tài chiến tranh, gần đây nhất là bộ phim tài liệu: “nhà báo chiến sỹ”, Thiếu tá Nguyễn Quang Quyết, đạo diễn Xưởng làm phim truyện, Điện ảnh Quân đội nhân dân cho biết:
Nguyễn Quang Quyết: Khi chúng tôi biết nhà báo Văn Hiền và được nghe câu chuyện của ông dành gần như cả cuộc đời làm báo của mình để xác định danh tính của 512 nhà báo liệt sỹ thì phải nói là ngay từ khi tìm hiểu, chúng tôi đã thấy rất xúc động rồi và khi vào gặp trực tiếp nhà báo Văn Hiền thấy cả một công trình đồ sộ của ông thì phải dùng từ rất thán phục, một con người dành toàn bộ tâm huyết cuối đời của mình cho những người đồng đội, đồng chí của ông.
Là một người lính từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, sau đó bén duyên với nghề báo, nhà báo Trần Văn Hiền thấu hiểu tận cùng nỗi đau và sự mất mát của chiến tranh. Hơn 40 năm cầm bút, ông vẫn đau đáu một nỗi niềm: nhiều đồng nghiệp của mình vĩnh viễn nằm lại chiến trường mà không tìm được hài cốt. Chính nỗi day dứt đó đã thôi thúc ông dành gần 15 năm đời mình để lần tìm dấu tích, để họ được nhớ, được tri ân, và không còn là những cái tên bị lạc mất giữa dòng lịch sử.
Băng: Các nhà báo hy sinh tại chiến trường là hy sinh hai lần. Lần thứ nhất là ngã xuống bởi đạn của quân địch, lần thứ 2 đau đớn hơn là quên lãng. Bởi vì sao người phóng viên chiến trường đi theo các đơn vị chiến đấu, nếu anh đi theo đơn vị chủ công thì may ra chỉ anh chỉ huy của đơn vị chủ công đó biết còn anh em đồng đội không thể biết anh này là nhà báo được nên khi ngã xuống cũng như những người lính khác, chỉ chôn vùi tại hậu cứ rồi mất. Chỉ có 20 người là có mộ và có tên. Còn lại là trước đây người ta gọi là vô danh hết.
…Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên không tuổi
Trắng hàng bia
Những ngôi sao không nói
Rưng rưng cỏ mọc dưới chân…
Cái thiệt thòi nhất của liệt sỹ nhà báo là như vậy. Cũng từ đó mình viết: “xin đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh”. Tổng số là một triệu hai mươi bảy vạn liệt sỹ trong chống Mỹ và chống Pháp nhưng trong đó 75 vạn trước đây đều đề là vô danh. Còn lại 25 vạn thì hiện nay có tên nhưng không có địa chỉ. Kể cả Vị Xuyên vẫn còn 3 ngàn rưỡi chưa tìm được. Khi không đóng góp được gì cho xã hội thì người Việt có câu, họ nói là: Đồ vô danh tiểu tốt. Tại sao những người liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng của Tổ Quốc, vì nền độc lập tự do của Tổ Quốc lại gọi là vô danh? Tại sao lại như vậy? Từ ý đó mà tháng 7 năm 1993 mình viết bài này.
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh Anh tròn ngày, tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa
Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái
Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa.
Hôm ấy mình đi dạy, đi giảng chính trị ở huyện ủy Anh Sơn gần biên giới Việt-Lào. Hôm ấy buổi trưa, không hiểu sao không ngủ được thì mình đi. Vào nghĩa trang ấy thì thấy lớp lớp lớp đều là vô danh. Hồi đó đều vô danh cả, năm 93 đều vô danh. Mình thấy không chịu được. Các lô đều vô danh thế là mình ngồi ngay xuống bậc thềm của khu A mình viết 1 lèo.
Từ nỗi day dứt khôn nguôi trước những dòng chữ “Liệt sĩ vô danh” trên hàng trăm ngàn bia mộ, nhà báo Trần Văn Hiền đã viết nên bài thơ đầy xúc cảm mang tên: “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh”. Những câu chữ ấy không chỉ là tiếng lòng của một người lính từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc: các anh hùng liệt sĩ - họ đều là con của mẹ, của cha, họ đã ra đi từ một vùng quê nào đó theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Họ có tên, có tuổi - như bao người đang sống hôm nay. Và chính từ những câu thơ giản dị nhưng đầy lay động ấy, một làn sóng tri ân đã được khơi dậy và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Thiếu tá Nguyễn Quang Quyết, đạo diễn Xưởng làm phim truyện, Điện ảnh Quân đội Nhân dân chia sẻ:
Lúc ấy nhà báo Văn Hiền có chia sẻ là: Ông chấp tay và khấn với mọi người là: đừng gọi họ là liệt sỹ vô danh bởi họ có tên. Trong những câu thơ mà ông viết rất tình cảm và day dứt thế nên khi bài thơ của ông được đăng trên báo Quân đội nhân dân thì nó gây một tiếng vang rất lớn và sau khi được đăng thì có một làn sóng, một phong trào là tất cả bia mộ còn để tên là liệt sỹ vô danh đều đã được thay đổi tên là liệt sỹ chưa xác định được danh tính hoặc là Liệt sỹ chưa xác định được tên. Nó như một niềm an ủi rất lớn đối với thân nhân các gia đình liệt sỹ.
Hơn 10 năm tham gia Hội hỗ trợ các gia đình liệt sỹ, Đại uý Dương Thái Bình cảm nhận sâu sắc sự mòn mỏi, khắc khoải của rất nhiều gia đình trên hành trình tìm kiếm liệt sỹ. Một dòng chữ thay đổi trên bia mộ của hơn 300 nghìn ngôi mộ vô danh thành Mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin…như thắp lên trên hành trình ấy một ngọn lửa hy vọng sớm tìm được người thân trở về:
Bài thơ rất có ý nghĩa và sức lan toả. Đối với những gia đình có thân nhân liệt sỹ chưa tìm thấy hoặc mất danh tính khi không để là vô danh nữa mà là chưa xác định được thông tin mang ý nghĩa rất cao cả, không ai là vô danh cả, mỗi một người là một phần của lịch sử. Trong quá trình tôi giúp Ban liên lạc mặt trận 31 tìm các thân nhân liệt sỹ có chú Trần Đình Huân, trưởng ban Liên lạc mặt trận 31 rất tâm huyết, có một bài thơ rất hay là: Đợi con về:
Bốn mươi năm mẹ vẫn đợi con về
Từng ấy thời gian chất đầy gương mặt mẹ
Nhìn di ảnh mẹ nhắc lòng khe khẽ
Trong tiếng nấc nghẹn ngào con về trễ đấy thôi (khóc)
Tiếng động cửa trong đêm khuya mưa gió
Mẹ ngỡ con về gõ cửa gọi Mẹ ơi….(khóc)
Đấy là cảm xúc của những người có thân nhân chưa tìm được. Trong những áng thơ của nhà báo Văn Hiền hay của chú Trần Đình Huân nói hộ tình cảm của những người có thân nhân mà đã hy sinh.
Tháng 7, từ khắp mọi miền Tổ quốc, từng đoàn người tìm về Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào trên mảnh đất Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, nơi an nghỉ của gần 11 nghìn liệt sỹ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam chiến đấu và hy sinh tại nước bạn Lào. Đây cũng là nghĩa trang duy nhất tại Việt Nam mang tên hai Quốc gia, 2 dân tộc. Đã 32 năm bài thơ: “Xin đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh” ra đời tại nghĩa trang này, đến nay bài thơ được khắc trên đá đặt tại đây và dòng chữ “Mộ liệt sỹ vô danh” đã được thay bằng dòng chữ trang trọng: “Mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin” như phần nào vơi đi niềm đau đáu của người cựu nhà báo chiến sỹ:
Đối với nhà báo liệt sỹ mình đau đáu như mắc nợ. Điều quan trọng nhất là mình thấy họ hy sinh thầm lặng mà cái đáng sợ nhất là bị người đời quên. Hồi đó cũng hơn 7 ngàn cũng gọi là vô danh và tôi ngồi tại nghĩa trang này viết liền một mạch 6 khổ bài thơ và mong, tất cả không gọi họ, những người có công với Tổ Quốc là vô danh nữa.
Tiếng nhạc nhẹ nhàng
Với những đóng góp bền bỉ, nhà báo chiến sỹ Trần Văn Hiền được Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng Bằng khen, nhiều lần được vinh danh trong các giải báo chí toàn quốc viết về đề tài truyền thống, lịch sử. Nhưng có lẽ với ông, phần thưởng lớn nhất là làm được điều gì đó để những người đã hy sinh không bị lãng quên, để nghề báo không chỉ là công cụ mà còn là sứ mệnh – một sứ mệnh rực rỡ:
Trong bài văn tế của tôi cho hơn 500 nhà báo là: Ngã bên nào cũng theo hướng tiến công. Thì đó là điều đầu tiên của nhà báo trong chiến tranh. Khi đánh vào Lộc Ninh thì trước cả loạt bom thì anh Cam ngã xuống, máu trào ra rồi nhưng ổng vẫn nói với cậu quay phụ: Hãy cầm lấy máy quay tiếp-thì đó là biểu tượng rất rực rỡ.
Thưa quý vị và các bạn, hành trình của nhà báo – cựu chiến binh Trần Văn Hiền là hành trình không ngơi nghỉ để tìm lại tên cho những nhà báo liệt sĩ đã hy sinh, tìm lại ký ức cho những “dáng đứng dưới tầm bom” từng ngã xuống vì đất nước. Những dòng thơ, trang viết, cuốn sách, những lần lặng lẽ trở lại nghĩa trang liệt sĩ… tất cả gom lại thành một lời nhắc nhở tha thiết: đừng để ai bị lãng quên, nhất là những người đã dâng hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc. Đến đây thời lượng chương trình Chân dung cuộc sống với chủ đề: “Người lưu giữ ký ức của những “Dáng đứng dưới tầm bom”” cũng đã hết. Chương trình này do các BTV Hiền Lương và Hương Giang biên soạn. Chịu trách nhiệm nội dung: Hoàng Trung Dũng./.
Bình luận