Ngày 25/4 phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2025
VOV1 - Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương đã họp, thống nhất tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2025 vào ngày 25/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt –Xô (Hà Nội).

Đây là thông tin được Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết tại buổi họp báo trao đổi thông tin về tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2024 và tuyên truyền về Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2025.

Phát biểu tại buổi họp báo bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục Trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết: Trong bối cảnh khó khăn do những biến động khó lường trên thế giới, công tác an toàn, vệ sinh lao động cũng đang đứng trước những thách thức trong quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Nhằm tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, góp phần hưởng ứng kỷ nguyên vươn mình, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội bền vững, năm 2025, Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động diễn ra từ ngày 1/5 đến ngày 31/5 sẽ phát động cùng với Tháng Công nhân với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Trong Tháng hành động, sẽ diễn ra nhiều hoạt động ở trung ương, địa phương như: Triển khai Chỉ thị 31-của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động...Bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục Trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) nhấn mạnh:

“Trong tháng hành động ATVSLĐ năm 2025 chúng tôi rất mong muốn tạo được lễ phát động ấn tượng, lan tỏa những kết quả mà Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến công tác ATVSLĐ, từ kết quả của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cũng như người lao động cùng nhau vào cuộc về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời lan tỏa những tấm gương, những điển hình về công tác ATVSLĐ và những sáng kiến trong cải thiện điều kiện lao động. Bên cạnh đó, từ những đánh giá, những điều tra về tai nạn lao động thì chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp và cả người lao động sẽ tránh được những nguyên nhân, đưa ra được những biện pháp đảm bảo ATVSLĐ một cách tốt hơn"

          Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Chính sách, pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam): Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 31, ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới, các cấp chính quyền cần thực sự quan tâm thúc đẩy thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương. Chính quyền cấp cơ sở cần chú trọng bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính cho triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động trong bối cảnh sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị. Đặc biệt, cần tiếp tục dành sự quan tâm đối với khu vực không có quan hệ lao động, tuyên truyền tới các hộ sản xuất, trang trại, ngư dân, các ngành có nhiều nguy cơ, rủi ro cao như khai khoáng, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, điện. Cùng với đó là chú trọng công tác an toàn, vệ sinh tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Người sử dụng lao động cần chú ý thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Người lao động cần tích cực tìm hiểu và áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc trong doanh nghiệp, hộ gia đình. Cùng với đó, các quy định về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động cần tiếp tục được rà soát, cải thiện, cắt giảm và đơn giản hóa.

         Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Chính sách, pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: Tháng hành động ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2025 là điểm nhấn trong năm để mỗi cơ quan đơn vị nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc:

“Năm ngoái có rất nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra do quá trình chủ quan của doanh nghiệp và của người lao động. Cho nên việc chủ động kiểm soát rủi ro cũng như chủ động đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tai nạn lao động hoặc nguy cơ tai nạn lao động cho người lao động là một trong những chủ đề các cấp, các bộ ngành đưa ra Thông điệp để doanh nghiệp chủ động phòng chống. Còn Tháng Công nhân có chủ đề là "Công nhân tiên phong bước vào kỷ nguyên mới" thì cũng tập trung các hoạt động nhằm chăm lo nhưng cũng động viên người lao động tham gia các hoặt động sản xuất kinh doanh”.

          Về tình hình tai nạn lao động về bệnh nghề nghiệp năm 2024, các thành viên Ban Chỉ đạo đều cho rằng đã đạt được một số kết quả, nhưng nếu thẳng thắn nhìn nhận, có thể thấy công tác an toàn, vệ sinh lao động đang đứng trước những thách thức lớn.

Theo thống kê, năm 2024, toàn quốc xảy ra gần 8.300 vụ tai nạn lao động, làm 8.472 người bị nạn. Trong đó có 675 vụ tai nạn chết người, làm 727 người chết (tăng 28 người so với năm 2023). Chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản thống kê chưa đầy đủ lên tới hơn 42.500 tỷ đồng và hơn 154.000 ngày công. Các ngành có nhiều tai nạn là khai khoáng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim…Nguyên nhân của tình trạng này là do người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Hà Nam-VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận