Sự kiện do Halotimes tổ chức đã thu hút sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, tác giả, chuyên gia và những người truyền cảm hứng. Điểm nhấn đặc biệt tại sự kiện là hoạt động “Ký tặng và gửi gắm tri thức”, trong đó mỗi người tham gia sẽ trực tiếp viết lời đề tặng, ký tên lên cuốn sách mình trao đi. Đó không chỉ là một hành động mang tính biểu tượng mà còn là cách lan tỏa tình cảm, tâm huyết và niềm tin đến tay những người nông dân đang cần tri thức để thay đổi cuộc sống. Không chỉ đơn thuần là việc trao đi một cuốn sách, đó là hành động gửi gắm tâm huyết, hướng tới sự đồng hành, sẻ chia cùng những “doanh nhân thầm lặng” của nông thôn Việt Nam. Thông qua đó, giúp lan tỏa tình cảm, tâm huyết và niềm tin đến tay những người nông dân đang cần tri thức để thay đổi cuộc sống.

Với gần 10 triệu hộ nông dân trên toàn quốc, những “doanh nhân thầm lặng” hằng ngày điều hành sản xuất, quản lý chi phí, đối mặt với rủi ro, thị trường và thời tiết; qua đó tri thức chính là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh. “Mỗi hộ nông dân là một doanh nghiệp. Mỗi cuốn sách là một hạt giống và mỗi hành động hôm nay sẽ làm nên sự chuyển mình sâu sắc cho nông thôn Việt Nam. Một cuốn sách đúng lúc có thể trở thành chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa tư duy mới”, ông Lê Văn Thương, Trưởng Ban tổ chức chiến dịch chia sẻ.
Chiến dịch sẽ triển khai trên toàn quốc, bắt đầu từ xã Hải Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Halotimes đặt mục tiêu trao tặng một triệu cuốn sách về các chủ đề gồm: Tư duy kinh doanh; thương mại điện tử; AI; kỹ năng phát triển bản thân và khởi nghiệp. Ngoài ra, chiến dịch còn hướng đến xây dựng ít nhất 100 thư viện kinh tế nông thôn, mỗi thư viện trang bị từ 1.000 đến 2.000 cuốn sách và máy tính, giúp người dân tiếp cận tài liệu số và công cụ học tập hiện đại. Đồng thời, chuỗi hội thảo, workshop cùng chuyên gia, doanh nhân, nghệ sĩ sẽ được tổ chức xuyên suốt để tiếp tục kích hoạt tư duy khởi nghiệp và lan tỏa cảm hứng phát triển.

Ông Phạm Văn Đức, Trưởng Văn phòng đại diện Halotimes Hà Nội cho biết: “Trong thời đại số hóa và truyền thông hiện đại như ngày nay, kiến thức và thông tin có thể được truyền tải một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn bao giờ hết. Vì thế, chiến dịch "1 triệu cuốn sách làm giàu cho nông dân" ra đời với hy vọng sẽ góp phần giúp nông dân Việt Nam nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng cần thiết để phát triển sản xuất, quản lý tài chính, ứng dụng công nghệ mới và tìm kiếm những hướng đi mới trong kinh doanh nông nghiệp.

Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Minh Huế - Phó Vụ trưởng Vụ Xuất bản, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - đánh giá, đây là một hoạt động giàu tính nhân văn, có ý nghĩa thiết thực trong việc lan tỏa tri thức, xây dựng văn hóa đọc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con nông dân trên cả nước.
“Từ những trang sách in hay những hình thức chuyển tải phong phú khác, bà con không chỉ học được cách trồng cây gì cho hiệu quả, nuôi con gì cho phù hợp, bán sản phẩm ra sao, tiếp thị sản phẩm như thế nào qua Facebook, Zalo, Youtube… để có lãi cao. Hơn thế nữa, sách truyền cho bà con nông dân tư duy làm chủ, tư duy đổi mới, điều mà người nông dân thời đại mới rất cần”, bà Nguyễn Minh Huế nêu ý kiến.
Hiện nay, cả nước ta có khoảng 10 triệu hộ nông dân đang hăng hái tham gia lao động sản xuất mỗi ngày với những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước. Nếu mỗi hộ nông dân là một doanh nghiệp, thì mỗi cuốn sách sẽ là một hạt giống để giúp đỡ và trở thành chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa tư duy mới cho người nông dân.

Phát biểu tại sự kiện, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, chiến dịch sẽ góp phần nâng cao nhận thức và ý thức xã hội về một đối tượng đôi khi chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình đổi mới là những người nông dân. Theo ông, để chiến dịch diễn ra một cách khoa học, hiệu quả, cần có sự tham mưu của các cấp chính quyền, các tổ chức Đảng, ngành xuất bản và đặc biệt là hệ thống trường học, bởi chính học sinh hôm nay sẽ là những người nông dân, những chủ nhân của ruộng đồng trong tương lai. “Vai trò của các thư viện xã, phường - những tế bào văn hóa cơ sở, cũng cần được chú trọng và phát huy mạnh mẽ. Việc thu hẹp các đơn vị hành chính này sẽ giúp chúng ta thêm thuận lợi trong việc tổ chức, hoạt động” - ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Trong minitalk mang tên “Mỗi cuốn sách là một hạt giống”, nhà sử học Dương Trung Quốc và nhà thơ, nhà văn Nguyễn Linh Khiếu đã chia sẻ về giá trị trường tồn của văn hóa đọc, cũng như niềm tin vào năng lực chuyển hóa của sách đối với mỗi con người.
“Chúng ta gửi quà về quê có bao giờ gửi sách về cho con em mình không? Có gửi cho người cha già một cuốn thơ hay để đọc, hay chỉ gửi sâm, nhung, quế, phụ tốt bồi bổ sức khỏe? Chúng ta có đóng góp cho tủ sách của đình làng mình không?”
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ thêm, tại một số trại giam, thân nhân khi đi thăm phạm nhân được khuyến khích mang theo sách – không chỉ để người thân đọc mà còn có thể góp vào tủ sách thư viện của trại giam. Những chia sẻ ấy không chỉ khơi dậy tình yêu sách mà còn là lời nhắn gửi về trách nhiệm lan tỏa tri thức, ngay từ những hành động giản dị nhất trong đời sống hằng ngày.

Chiến dịch “Một triệu cuốn sách làm giàu cho nông dân Việt Nam” có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần lan tỏa kiến thức và nâng cao năng lực phát triển kinh tế cho người nông dân Việt Nam. Hoạt động sẽ trao những cuốn sách hay, tâm huyết đến tay người nông dân, giúp củng cố tư duy và hành động của người làm nông.
Chiến dịch đã, đang và sẽ tiếp tục lan tỏa với hàng loạt hoạt động tiếp nối trong năm 2025 và các năm sau đó. Halotimes kêu gọi cộng đồng, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội cùng tham gia đồng hành vì một Việt Nam tri thức, phát triển bền vững và nhân văn.
Bình luận