Tại Việt Nam, bệnh không lây nhiễm chiếm 81% tỷ lệ tử vong và hơn 73% gánh nặng bệnh hàng năm, trong số đó có khoảng 41% là tử vong sớm (trước 70 tuổi). Nguyên nhân gây bệnh là do sử dụng quá nhiều sản phẩm có hại cho sức khoẻ như các loại nước giải khát có đường, hút thuốc lá.... Thực trạng này đòi hỏi cần có những chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Tại hội thảo, các chuyên gia của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới đã giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Tiến sĩ Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho biết, một trong những lý do cần áp thuế với nước giải khát có đường trước, mà chưa áp thuế các sản phẩm có đường dạng rắn, đó là đường dạng lỏng hấp thụ trực tiếp vào máu và gan, chuyển hóa rất nhanh, cơ thể không kịp ghi nhận, không đạt được cảm giác no, dẫn đến dư thừa năng lượng do không kiểm soát được mức dung nạp.

“Một nghiên cứu tại 75 quốc gia cho thấy, nếu mức tiêu thụ đồ uống có đường tăng 1% có liên quan đến có thêm gần 5 người lớn thừa cân/100 người và hơn 2 người lớn béo phì/100 người. Tiêu thụ đồ uống có đường trong thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ thừa cân, béo phì lúc hơn 5 tuổi. Cứ mỗi 100ml tăng thêm trong tiêu thụ đồ uống có đường mỗi ngày thì sẽ liên quan đến chỉ số khối cơ thể cao hơn, tăng nguy cơ thừa cân, béo phì lên 1,2 lần ở tuổi lên 6. Với mỗi lon nước ngọt uống mỗi ngày thì nguy cơ béo phì tăng 60%”- TS Hoàng Thị Mỹ Hạnh cho biết.
Dẫn kết quả phân tích của Tổ chức Y tế thế giới, chuyên gia của Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định, tại các quốc gia có mức giá thuốc lá thấp, tình trạng buôn lậu thuốc lá xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá và thuế thuốc lá cao… Thuốc lá đang gây tổn thất lớn về sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam. Tăng thuế thuốc lá với mức thấp và lộ trình chậm không hiệu quả trong việc giảm tiêu dùng. Thời gian qua, tỷ lệ sử dụng thuốc lá giảm chậm và vẫn ở mức cao, với hơn 40% nam giới trưởng thành hút thuốc lá… Theo bà Đặng Thị Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình thì những thông tin tại hội thảo sẽ giúp các đại biểu có góc nhìn toàn diện hơn trong việc đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Liên quan đến các nội dung, các vấn đề trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đợt này thì các đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm đến những luận cứ khoa học để chứng minh cho tác hại của thuốc lá, tác hại của đồ uống có cồn hay đồ uống có đường.... Đây là những vấn đề mà đại biểu Quốc hội cũng rất trăn trở để có một kiến thức cũng như có một tư duy một cách logic cũng như là có một cái câu trả lời, những cái vấn đề mà đại biểu băn khoăn. Những hội này đã cung cấp những số liệu, bằng chứng, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn quan trọng cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật.”- ĐBQH Đặng Thị Bích Ngọc cho biết thêm.
Văn Hải - VOV1
Bình luận