# Dựa trên nghiên cứu của ĐH Cornell (Mỹ), người dân các nước Đông Nam Á “nạp” nhiều vi nhựa vào cơ thể nhất. Trong đó, đứng thứ nhất là người dân Indonesia, với 15g/người/tháng, cứ như thể ăn 3 cái thẻ tín dụng. Phần lớn các hạt vi nhựa có nguồn gốc từ thủy hải sản. Ở vị trí thứ hai là người Malaysia, với 12g/người/tháng và vị trí thứ ba là người dân ở Philippines và Việt Nam, đều ở mức 11g/người/tháng. Các nhà khoa học cảnh báo, các hạt vi nhựa có thể đi vào máu. Ngoài ra, những người có nhiều vi nhựa trong cơ thể cũng có nguy cơ bị các bệnh tim mạch cao hơn. Thậm chí, các em bé trong bụng mẹ cũng có thể bị nhiễm vi nhựa từ cơ thể mẹ. Để giảm nguy cơ nạp vi nhựa vào cơ thể, con người chỉ có cách là bảo vệ môi trường, giảm xả rác, tránh đồ nhựa dùng một lần, không dùng nylon và hộp nhựa kém chất lượng để đựng thực phẩm…
# Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hình thức tổ chức là bệnh viện phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử trước ngày 1/10/2025; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử trước ngày 1/1/2026. Đây là lộ trình được Bộ Y tế nêu ra tại Thông tư 26 quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo TS.BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), khi thực hiện theo quy định tại Thông tư, hệ thống kê đơn và bán thuốc sẽ kết nối được với nhau. Người bệnh đi mua thuốc sẽ được kiểm soát theo đơn đã kê trong hệ thống. Những đơn nào được bán đến đâu, những loại thuốc nào bị bán sai so với kê đơn, tất cả đều có thể theo dõi được.
# Ông Trần Kiêm Hảo, giám đốc Sở Y tế TP Huế, cho biết trong vòng hơn nửa tháng qua ở Huế ghi nhận 12 ca mắc liên cầu lợn, trong số đó có 1 người tử vong. Trước tình hình dịch bệnh có dấu hiệu diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP Huế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về dấu hiệu nhận biết bệnh, các biện pháp phòng tránh và hướng dẫn điều trị kịp thời. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Huế củng cố các đội phản ứng nhanh, cơ động, trang bị thuốc, hóa chất để ứng phó với dịch bệnh và thực hiện chế độ trực báo cáo thường xuyên.
# Một nữ bệnh nhân 45 tuổi tại Quảng Ninh vừa được các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu thành công sau khi đột ngột bị nhồi máu não do hội chứng Moyamoya – bệnh lý mạch máu não hiếm gặp, dễ gây di chứng nặng, nếu không được phát hiện sớm. Bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe não bộ, người dân cần chủ động nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bệnh lý mạch máu não như: Đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân; Tê yếu tay chân, nói ngọng, nhìn mờ thoáng qua; Thiếu máu não thoáng qua, ngất không rõ nguyên nhân; Co giật, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Người có yếu tố nguy cơ cao nên khám sàng lọc mạch máu não định kỳ, đồng thời thực hiện lối sống lành mạnh. Đặc biệt, khi xuất hiện triệu chứng thần kinh cấp tính như đột ngột liệt nửa người, méo miệng, nói khó, đau đầu dữ dội…, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế trong "thời gian vàng" 3 – 4,5 giờ đầu để được cấp cứu kịp thời.
# Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho hay các bác sĩ ở đây vừa thực hiện thành công ca ghép thận cho bé gái 11 tuổi (ngụ Lâm Đồng) bị suy thận mạn giai đoạn cuối do hội chứng thận hư kháng thuốc có đột biến gien ức chế khối u Wilms-1 (WT1). Đây là ca ghép thận đầu tiên tại bệnh viện này đối với bệnh nhi bị suy thận mạn giai đoạn cuối do đột biến gien WT1 hiếm gặp.
# Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay COPD được đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính niêm mạc phế quản dẫn đến tắc nghẽn đường thở từ từ và không hồi phục. Quá trình này liên quan đến đáp ứng viêm bất thường của phổi với các chất khói, khí, các hạt độc hại... Phổi tắc nghẽn mãn tính gây ra những tác động, dấu hiệu trực tiếp ở hệ thống hô hấp. Nó khiến cho người bệnh bị ho mãn tính, kéo dài; ho có đờm, đờm có màu trắng, màu vàng xám, màu xanh lá cây thậm chí đôi khi có thể thấy đờm kèm máu; người bệnh bị nhiễm trùng đường hô hấp và tái đi tái lại tình trạng cúm, cảm lạnh; bị khó thở, thở gấp sức, thở gấp; ngực có cảm giác thắt chặt, đau; thở khò khè, mệt mỏi kéo dài; sốt nhẹ và có cảm giác ớn lạnh. Cho đến nay, chưa có bất cứ phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn COPD. Tuy nhiên, với việc thực hiện nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ như: Bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc; dùng thuốc giãn phế quản phù hợp, đầy đủ; tiêm vắc xin phòng cúm và phòng phế cầu; có kiến thức đầy đủ về COPD thì có thể kiểm soát và làm giảm số đợt cấp cần nhập viện.
Bình luận