# Trong tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ kéo dài đến 15/6/2025, Bộ Y tế cho biết đã thành lập 15 tổ kiểm tra liên quan đến lĩnh vực dược, mỹ phẩm, y dược cổ truyền, sữa, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế... Cùng đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền, thiết bị y tế giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
# Sở Y tế TPHCM vừa có công văn về việc chủ động triển khai phòng, chống COVID-19 trên địa bàn TPHCM trong tình hình hiện nay. Theo Sở Y tế TPHCM, biến chủng Omicron XEC không phải là biến chủng mới và đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO xếp vào nhóm nguy cơ thấp. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, Sở Y tế TPHCM đề nghị các đơn vị y tế không lơ là, chủ động ứng phó với dịch.
# Trước tình trạng người dân có dấu hiệu chủ quan, không khai báo khi mắc COVID-19 do dịch bệnh đã được chuyển sang nhóm B, Sở Y tế Hải Dương vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường công tác phòng, chống dịch. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương được yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông về nguy cơ và biện pháp phòng dịch COVID-19, khuyến khích người dân thực hiện nghiêm 2K (khẩu trang - khử khuẩn), đặc biệt tại các điểm đông người như cơ sở khám chữa bệnh, phương tiện giao thông công cộng... Với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, Sở Y tế yêu cầu rà soát, cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 theo tình hình dịch, tránh bị động. Cần chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất, khu cách ly, trang thiết bị y tế nhằm đảm bảo chẩn đoán, điều trị kịp thời và kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả.
# Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, bệnh viện đã tiếp nhận 12 bệnh nhận bị bỏng đến từ nhà máy nam châm từ tính SGI của Công ty TNHH SGI VINA tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành. Sau khi tiếp nhận các bệnh nhân và phân loại điều trị, 1 bệnh nhân bỏng nặng 60-70%, các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc vết bỏng, giảm đau chống choáng, sau điều trị tích cực, gia đình bệnh nhân xin được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đà Nẵng. 1 bệnh nhân do đa chấn thương phần mềm đang được điều trị tại Khoa Cấp cứu. Có 2 bệnh nhân bỏng diện tích dưới 10% kèm vết thương, 2 bệnh nhân này đang được chăm sóc, xử trí vết thương và điều trị tại khoa Ngoại chấn thương. Còn lại 8 bệnh nhân có đa chấn thương phần mềm kèm ngất do nhiệt được xử trí tại Khoa cấp cứu, sau khi sức khỏe ổn định đã được ra về.
# Bệnh viện Nam Thăng Long (Hà Nội) cho biết, đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công khối u xơ tử cung có kích thước lớn, nặng gần 4kg cho người phụ nữ sinh năm 1984 trú tại quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội. Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng từng cơn liên tục; kèm mệt mỏi, da xanh xao. Qua thăm khám lâm sàng và thực hiện một số chỉ định cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị u xơ tử cung kích thước lớn. Theo các bác sĩ, u xơ tử cung là bệnh lý lành tính gặp ở hơn 30% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp không có triệu chứng rõ ràng và thường bị bỏ qua cho đến khi xuất hiện biến chứng như đau bụng, rong kinh, thiếu máu, hoặc khối u phát triển lớn gây chèn ép tạng. Do đó, các bác sĩ khuyến nghị phụ nữ, đặc biệt là trong độ tuổi sinh sản, nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần, ngay cả khi không có triệu chứng.
# Thông tin từ Trung tâm Y tế TP Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết, mới đây đơn vị có tiếp nhận điều trị cho nam bệnh nhân 60 tuổi bị thủng dạ dày do uống thuốc giảm đau và thuốc xương khớp không rõ nguồn gốc. Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị, đau liên tục kèm theo chướng hơi đầy bụng. Qua khai thác tiền sử được biết, người bệnh đã uống thuốc giảm đau và thuốc xương khớp không rõ nguồn gốc trong nhiều ngày để điều trị viêm khớp dạng thấp, dẫn đến tình trạng viêm dạ dày biến chứng thủng dạ dày. Để tránh những biến chứng không mong muốn, các bác sĩ khuyến cáo: Bệnh nhân cần được thăm khám, chẩn đoán đúng trước khi bác sĩ kê đơn. Đối với bệnh nhân mắc các bệnh xương khớp không được tự ý điều trị, không tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc về uống để tránh các biến chứng nguy hiểm.
# Cho đến nay, chưa có bất cứ phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD. Tuy nhiên, với việc thực hiện nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ như: Bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc; dùng thuốc giãn phế quản phù hợp, đầy đủ; tiêm vắc xin phòng cúm và phòng phế cầu; có kiến thức đầy đủ về COPD thì có thể kiểm soát và làm giảm số đợt cấp cần nhập viện. Cần lưu ý, khi đã được chẩn đoán mắc COPD thì phải dùng thuốc giãn phế quản hoặc thực phẩm chức năng hỗ trợ giãn phế quản suốt đời, ngay cả khi không có cảm giác khó thở hoặc không thấy ho.
Bình luận