Hà Nội ghi nhận số ca mắc sởi đã tăng lên 1.270 ca (Ngày 05/04/2025)
VOV1 -Ba tháng đầu năm 2025, Hà Nội ghi nhận số ca mắc sởi đã tăng lên 1.270 ca, trong đó có một ca tử vong và 92 ca lây nhiễm chéo tại bệnh viện.

# Theo thông tin ban đầu từ Cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của WHO tại khu vực châu Âu, một số trường hợp bệnh tại Nga đã xác định nguyên nhân là do nhiễm vi khuẩn Mycoplasma. Vi khuẩn này gây nhiễm trùng đường hô hấp làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp (gồm cả họng, khí quản và phổi). Bệnh lây truyền từ người sang người qua các giọt dịch tiết nhỏ chứa vi khuẩn do ho, hắt hơi. Bệnh có thể được điều trị bằng kháng sinh. Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình dịch, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức liên quan để cập nhật thông tin chính xác, tránh gây hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh.

# Theo báo cáo khảo sát của Trường Đại học Y Dược TPHCM, hiện nay, Việt Nam ghi nhận khoảng 20-30% người trẻ độ tuổi 16-35 tuổi đối mặt với vấn đề về trí nhớ gồm: kém tập trung, thường xuyên lơ đãng trong công việc và học tập; hay quên mọi thứ, khó ghi nhớ một thông tin mới; tâm lý, cảm xúc thay đổi bất thường (dễ nóng giận, phiền muộn, thờ ơ…). Để khắc phục hội chứng “não cá vàng”, các chuyên gia khuyến cáo cần thay đổi lối sống, giảm căng thẳng, áp lực công việc; sắp xếp công việc hợp lý, tránh cùng lúc phải giải quyết nhiều vấn đề; luyện tập thư giãn, thiền, khí công, yoga, cần có giấc ngủ tốt, tránh lạm dụng rượu bia, chất kích thích, đặc biệt tránh hoạt động thể lực và trí óc quá mức vào buổi tối.

# Ba tháng đầu năm 2025, Hà Nội ghi nhận số ca mắc sởi đã tăng lên 1.270 ca, trong đó có một ca tử vong và 92 ca lây nhiễm chéo tại bệnh viện. Tại Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, bệnh nhân đến khám điều trị sởi tăng, khoảng 20 bệnh nhân/ ngày, hầu hết là trẻ em từ 9 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi, trong đó nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ. Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận và điều trị nội trú cho 45 - 50 bệnh nhân mắc sởi bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp. Bộ Y tế nhấn mạnh việc hạn chế số lượng người thăm bệnh trong các cơ sở y tế, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện và cộng đồng.

# Chỉ cần gõ từ khóa “ăn sống” trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong ít giây sẽ có 223 triệu kết quả, không chỉ có các món gỏi, sashimi thường thấy mà ngay cả gan bò, tủy bò, thịt lợn, thịt bò, óc lợn… cũng được ăn sống trực tiếp mà không cần qua chế biến. Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) nhấn mạnh, việc ăn thực phẩm tái, sống cũng chính là nguyên nhân đưa các loại giun, sán xâm nhập vào cơ thể. Đáng lo ngại, tỷ lệ thường gặp (chiếm từ 60%-96%) sán cư trú trong não có thể dẫn đến các nhóm bệnh thần kinh như: Nhức đầu, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, co giật cơ. Nguy hiểm hơn, khi nhiễm giun lâu ngày, loại ký sinh trùng này có thể chui vào các vị trí khác trong cơ thể như các ổ khớp, cột sống rồi bị chết, vôi hóa gây ra tình trạng cứng khớp, liệt...

# Trong lúc đang lắp bình ga mini để nấu ăn, bất ngờ bình ga phát nổ khiến người đàn ông 26 tuổi bị chấn thương dập nát bàn tay phải, vết thương đùi 2 bên,  bỏng vùng mặt độ 2, mắt nhìn mờ… phải nhập viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cấp cứu. Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cấp cứu xử trí tổn thương. Hiện sức khỏe người bệnh ổn định và đang được theo dõi, điều trị tại bệnh viện. Các bác sĩ khuyến cáo người dân, hãy luôn thận trọng trong mọi hoạt động sinh hoạt, đặc biệt là khi sử dụng các loại bình ga, bếp ga mi ni để tránh những tai nạn đáng tiếc. Khi có tai nạn xảy ra, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử trí và điều trị.

# Bệnh nhân nữ 36 tuổi nhập viện trong tình trạng đau bụng dưới dữ dội, bụng to như mang thai 5 tháng và cơ thể mệt mỏi. Sau khi tiến hành các xét nghiệm, các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai phát hiện nhiều khối u xơ lớn, lan rộng gần toàn bộ tử cung. Khối u xơ lớn, nặng 3kg, lan rộng gần toàn bộ tử cung, buộc các bác sĩ phải cắt bỏ tử cung để bảo vệ sức khỏe người bệnh. Hiện tại, bệnh nhân ổn định và đang hồi phục.

# Theo Phó giáo sư – tiến sĩ – thầy thuốc nhân dân Đinh Ngọc Sỹ, Chủ tịch hội lao và bệnh phổi Việt Nam, nguyên giám đốc bệnh viện phổi TW, hút thuốc lá hay hút thuốc lá thụ động là tác nhân gây bệnh lớn nhất. Cùng với các nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh kể trên, các yếu tố kết hợp sau khiến khả năng mắc phổi tắc nghẽn mãn tính càng cao là người trong độ tuổi từ 65-74, đó là người có tiền sử bệnh hen hay các bệnh hô hấp khác, người có tiền sử hút thuốc hoặc hít nhiều khói thuốc trước đây, người có gia đình mắc bệnh này... Phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ra tình trạng suy giảm hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận