# Các nhà nghiên cứu ở Canada đang khai thác khoa học cơ bản để khám phá các phương pháp điều trị mới chống lại các dạng ung thư vú dựa trên ty thể (trong mỗi tế bào có đến hơn vài ngàn ty thể tham gia hoạt động duy trì sự sống). Theo quan sát, các tế bào ung thư vú di căn cao có xu hướng có nhiều ty thể phân mảnh hơn, trong khi các tế bào ung thư ít xâm lấn hơn có các ty thể hợp nhất. Trong lúc tìm kiếm các loại thuốc có thể thúc đẩy sự hợp nhất ty thể ở tế bào ung thư vú, nhóm nghiên cứu nhận thấy thuốc leflunomide điều trị viêm khớp dạng thấp khiến gia tăng các ty thể hợp nhất, làm chậm quá trình di căn ung thư vú ở chuột. Mặc dù cần nghiên cứu thêm, nhưng những phát hiện nói trên đã mở ra cánh cửa cho những khả năng điều trị mới chống lại các loại ung thư vú xâm lấn.
# Zona thần kinh không chỉ gây tổn thương da mà còn có thể dẫn đến liệt mặt nếu virus tấn công dây thần kinh số VII. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trang, khoa Da liễu, Trung tâm Da liễu - Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết zona là bệnh do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Sau khi mắc thủy đậu, virus này không bị loại bỏ hoàn toàn mà trú ẩn trong các hạch thần kinh cảm giác. Khi hệ miễn dịch suy yếu (do tuổi cao, stress, bệnh mạn tính, dùng thuốc ức chế miễn dịch…), virus có thể tái hoạt động và gây tổn thương da dọc theo dây thần kinh. Nếu virus tái hoạt tại dây thần kinh mặt (dây VII), người bệnh có nguy cơ gặp biến chứng liệt mặt ngoại biên. Đây là hậu quả nặng nề nhưng có thể phòng tránh nếu phát hiện và điều trị sớm.
# Không chỉ số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh, xuất hiện nhiều trường hợp tử vong, TP.HCM còn phát hiện một ổ dịch sốt xuất huyết phức tạp tại phường An Phú khiến cho các bệnh viện tại đây quá tải bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết. Sở Y tế TP.HCM đã cử đoàn công tác kiểm tra và hỗ trợ chuyên môn tại Bệnh viện đa khoa Vạn Phúc 2 và Bệnh viện đa khoa An Phú (phường An Phú) – 2 cơ sở tư nhân có số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện tăng nhanh trong 3 tuần gần đây. TPHCM đang bước vào mùa mưa - thời điểm nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết cao nhất trong năm. Ngành y tế kêu gọi người dân cần chủ động dọn dẹp vật chứa nước, diệt lăng quăng hàng tuần, thực hiện tốt phương châm “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Tuân thủ hướng dẫn điều trị từ cơ sở y tế, không tự ý truyền dịch tại nhà…
# Tin vào lời đồn “thuốc gia truyền”, không ít người đã bỏ lỡ “thời gian vàng” điều trị y khoa, dẫn tới tổn thương nặng nề, thậm chí tử vong. Vừa qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận một bệnh nhân nam, 50 tuổi, chuyển đến trong tình trạng nguy kịch sau khi bị rắn hổ mang chúa cắn. Thay vì đến viện sau khi bị rắn cắn, ông tìm thầy lang đắp thuốc lá rồi mới nhập viện khi đã nói khó, suy hô hấp. Trên đường đi, bệnh nhân lên cơn gồng cứng, suy hô hấp, ngừng tuần hoàn. Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, đây là hậu quả điển hình của việc bỏ lỡ “thời gian vàng” cấp cứu. Với các loại rắn có độc tố thần kinh như hổ mang chúa, nọc độc có thể gây liệt cơ hô hấp và ngừng tim trong vòng vài giờ. Nếu không kịp thời tiêm huyết thanh kháng độc, nguy cơ tử vong rất cao.
# Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều địa phương, Thanh Hóa đã chủ động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi một cách thần tốc, đồng bộ và hiệu quả. Với tỷ lệ bao phủ vaccine vượt 96%, tỉnh đang được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong công tác phòng, chống dịch sởi.Sau khi hoàn thành chiến dịch, Thanh Hóa tiếp tục duy trì các hoạt động tiêm vét, tiêm nhắc, đảm bảo mọi trẻ em trong diện tiêm đều được tiếp cận vaccine. Đồng thời, tỉnh tiếp tục củng cố hệ thống giám sát, đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của tiêm chủng định kỳ và theo lịch trình. Ngành Y tế cũng khuyến cáo phụ huynh nên chủ động kiểm tra lịch sử tiêm chủng của trẻ, đưa trẻ đi tiêm nếu chưa đủ mũi hoặc bỏ sót. Mọi hành vi trì hoãn tiêm chủng có thể làm suy giảm miễn dịch cộng đồng và tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát trở lại.
# Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay COPD được đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính niêm mạc phế quản dẫn đến tắc nghẽn đường thở từ từ và không hồi phục. Quá trình này liên quan đến đáp ứng viêm bất thường của phổi với các chất khói, khí, các hạt độc hại... Phổi tắc nghẽn mãn tính gây ra những tác động, dấu hiệu trực tiếp ở hệ thống hô hấp. Nó khiến cho người bệnh bị ho mãn tính, kéo dài; ho có đờm, đờm có màu trắng, màu vàng xám, màu xanh lá cây thậm chí đôi khi có thể thấy đờm kèm máu; người bệnh bị nhiễm trùng đường hô hấp và tái đi tái lại tình trạng cúm, cảm lạnh; bị khó thở, thở gấp sức, thở gấp; ngực có cảm giác thắt chặt, đau; thở khò khè, mệt mỏi kéo dài; sốt nhẹ và có cảm giác ớn lạnh. Cho đến nay, chưa có bất cứ phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn COPD. Tuy nhiên, với việc thực hiện nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ như: Bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc; dùng thuốc giãn phế quản phù hợp, đầy đủ; tiêm vắc xin phòng cúm và phòng phế cầu; có kiến thức đầy đủ về COPD thì có thể kiểm soát và làm giảm số đợt cấp cần nhập viện.
Bình luận