Cảnh báo: Suy gan, thận do ngộ độc nấm (16/03/2025)
VOV1 - Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai mới đây đã liên tục tiếp nhận và điều trị 2 trường hợp bị ngộ độc nặng sau khi ăn nấm tự hái trên rừng.

# Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 23/CĐ-TTg yêu cầu đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi. Công điện nêu rõ, dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp, một số địa phương vẫn ghi nhận số ca mắc cao. Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trên diện rộng, Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay chiến dịch tiêm chủng vaccine; kết thúc chiến dịch chậm nhất trong ngày 31/3/2025; bảo đảm đủ vaccine phòng bệnh sởi, cấp phát kịp thời cho các địa phương để triển khai có hiệu quả Chương trình tiêm chủng mở rộng (không được để thiếu và trậm trễ như thời gian qua).

# Bộ Y tế cho biết, từ năm 2022 đến nay, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt 87 cơ sở với số tiền 16,858 tỷ đồng; tại địa phương xử phạt 20.881 cơ sở với số tiền phạt 123,840 tỷ đồng liên quan đến thực phẩm chức năng... Để kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm lưu thông trên thị trường, Bộ Y tế cũng cho biết đã và đang chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn; Hàng năm, ngành Y tế ban hành và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đều được xử lý nghiêm và công khai thông tin vi phạm trên website của Bộ Y tế. 

# Theo PGS.TS Trần Cao Bính - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, tại nước ta, các vấn đề về răng miệng như sâu răng, viêm lợi, mất răng, tổn thương tiền ung thư miệng hàm mặt và chấn thương hàm mặt vẫn rất phổ biến, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Khoảng 86% trẻ em từ 6 - 8 tuổi ở nước ta bị sâu răng sữa, trung bình mỗi trẻ em có 6,21 răng bị sâu. Hơn 60% người trưởng thành gặp vấn đề về viêm lợi và viêm quanh răng. Có trên 79% người cao tuổi bị mất răng...

# Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai mới đây đã liên tục tiếp nhận và điều trị 2 trường hợp bị ngộ độc nặng sau khi ăn nấm tự hái trên rừng. Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, các loại nấm tự nhiên đều khó nhận dạng bằng mắt thường là có độc hay không, trừ mộc nhĩ. Tính nguy hiểm của các nấm gây ngộ độc muộn là xuất hiện muộn nên khi phát hiện ra thì chất độc đã hấp thu hết vào cơ thể. Lúc này biểu hiện ngộ độc với gan rất nặng, ồ ạt, thậm chí gây ảnh hưởng nặng đến nhiều cơ quan khác. Tỷ lệ tử vong rất cao, tới 50%, kể cả khi áp dụng các biện pháp cấp cứu, hồi sức, giải độc tích cực. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không hái các nấm mọc hoang dại về ăn.

# Tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, hiện có nhiều bệnh nhân suy tuyến thượng thận đang được điều trị, trong đó nguyên nhân chính được xác định là do lạm dụng thuốc chứa corticoid. Theo BSCKII Nguyễn Thanh Hải, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, việc tự ý sử dụng các thuốc có corticoid không theo hướng dẫn của bác sĩ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe và tính mạng người bệnh. Đặc biệt ở người cao tuổi, người thoái hóa xương khớp tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm như suy thượng thận cấp gây trụy mạch, rối loạn điện giải nặng, còn phải kể đến các biến chứng như: viêm loét dạ dày - tá tràng gây chảy máu tiêu hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường do thuốc…

# Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng bàng quang tăng hoạt OAB, ví dụ như tuổi tác, giới tính, béo phì. Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng càng về già nguy cơ càng tăng. Phụ nữ có nguy cơ mắc cao hơn ở nam giới, một phần nguyên nhân được giải thích bởi việc mang thai, sinh con, thời kỳ mãn kinh. Người béo phì cũng rất dễ bị mắc căn bệnh này bởi trọng lượng dư thừa gây áp lực lên bàng quang ngoài ra béo phì ảnh hưởng tới lưu lượng máu và hoạt động thần kinh tại bàng quang. Nếu có các triệu chứng như: Đi tiểu nhiều hơn 8 lần trong khoảng 24 giờ mỗi ngày, thức dậy nhiều hơn một lần một đêm để đi tiểu. Người bệnh khó nhịn tiểu,  không tự chủ được, đi không hết bãi, cảm giác tiểu rắt, mót tiểu, thì cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận