Tạ Đình Huy - từ anh thợ sửa xe máy trở thành nhà "sáng chế"
VOV1 - Bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám theo đuổi đam mê, anh Tạ Đình Huy, một thợ sửa xe máy ở xã Hòa Phú, thành phố Hà Nội đã trở thành một nhà "sáng chế " máy nông nghiệp, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Anh thợ sửa xe đam mê sáng chế

Tạ Đình Huy quê ở xã Hòa Phú, thành phố Hà Nội nhưng lại lớn lên ở thành phố công nghiệp Thái Nguyên. Cha anh là một công nhân gang thép. Chính không gian đặc quánh mùi sắt thép, tiếng máy rền vang suốt ngày đêm ấy không biết từ bao giờ đã gieo vào anh niềm yêu thích với máy móc, cơ khí.

Học hết cấp 3, anh thi đỗ Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Nhưng dự định ấy dang dở khi biến cố gia đình bất ngờ ập đến: cha mất đột ngột. Gác lại giấc mơ đại học, anh Huy theo học nghề sửa xe máy để mưu sinh. Ít ai ngờ rằng, từ quyết định khó khăn ấy, anh trở về quê hương và nhận rõ hơn niềm đam mê với công việc lắp ráp và chế tạo.

"Cơ duyên là cũng nhìn thấy những chiếc máy nông nghiệp của bên nước ngoài họ làm việc rất hiệu quả, nhưng  đối với người nông dân quê mình vượt quá khả năng tài chính. Từ đó, tôi muốn tận dụng những động cơ cũ bỏ đi, những mảnh sắt phế liệu sáng chế thành máy móc nông nghiệp. Trước tiên là phục vụ cho gia đình, cho hàng xóm mượn. Sau đó hiệu quả thì bán cho người cần" - Anh Tạ Đình Huy nhớ lại.

Thời gian đầu, anh Tạ Đình Huy làm đồng thời cả hai việc. Ban ngày sửa xe cho khách. Tối đến hoặc những lúc có thời gian rảnh, anh lại lôi máy móc, sắt vụn ra nghiên cứu. Có những buổi làm việc thông trưa, có những đêm thức trắng để mày mò, học hỏi, vẽ phác thảo các bộ phận, chi tiết, tính toán công năng, thông số kỹ thuật, cách sử dụng để chế tạo ra hình thù chiếc máy. Cứ sai lại sửa không biết bao nhiêu lần, kéo dài bao nhiêu ngày, từ năm này sang năm khác.

Một anh thợ sửa xe bỏ cả khách để đắm mình vào những thứ máy móc cọc cạch - với nhiều người, đó là chuyện khó hiểu. Bạn bè thân quen cũng từng lắc đầu: “Làm thế ai mua? Ai dùng?” Thế nhưng, trong số ít những người tin và đồng hành, có Nguyễn Bá Thảo - người bạn, người cộng sự thân thiết của anh Huy: “Làm cùng anh hơn chục năm, cảm nhận anh là một người nghiêm túc trong công việc, mày mò ngày đêm để tìm hiểu. Anh Huy chế tạo nhiều sản phẩm hay lắm. Ngày trước anh còn chế một cái xe máy, từ xe 79 anh chế như một xe cao bồi Mỹ. Thế là mình cũng đam mê nối tiếp đam mê của anh Huy.”

Giai đoạn đó, cửa hàng sửa chữa xe máy của anh Huy ngổn ngang như một kho đồng nát. Trong căn phòng nhỏ, chỉ việc tháo ra, lắp vào từng bộ phận của cỗ máy đã chiếm hết thời gian rảnh rỗi của anh. Từ những mảnh kim loại thô ráp, anh Tạ Đình Huy dần hình dung ra những cỗ máy có thể giúp người nông dân bớt nhọc nhằn hơn trên cánh đồng.

Năm 2005, "đứa con đầu đời" do chính bàn tay, khối óc của anh Huy chế tạo cũng thành hình - đó là chiếc máy nông nghiệp có hai chức năng. Tuy máy còn thô sơ nhưng khi đưa ra thực tế thử nghiệm thì thành công.

Từ những ngày đầu mày mò tháo lắp trong xưởng nhỏ ở quê, Tạ Đình Huy dần nhen nhóm những ý tưởng táo bạo hơn. Từ chiếc máy 2 chức năng ban đầu, “6 trong 1”, “15 trong 1” rồi “23 trong 1”, mỗi thế hệ sản phẩm đều là kết tinh của hàng trăm lần thử - sai, là những đêm thức trắng cùng bản vẽ và sắt thép.

Năm 2017, nhận thấy tiềm năng thực sự từ nhu cầu thực tiễn, anh quyết định thành lập công ty chế tạo máy nông nghiệp AHM - một bước ngoặt lớn đánh dấu sự chuyển mình từ một người thợ thủ công sang làm chủ doanh nghiệp.

Sự ghi nhận của người nông dân chính là phần thưởng lớn nhất đối với những người làm sáng chế. Nhưng với anh Tạ Đình Huy, hành trình bền bỉ ấy còn được tôn vinh bằng nhiều giải thưởng uy tín. Năm 2014, sáng chế máy cày đa năng của anh đạt giải nhất chương trình “Nhà sáng chế” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Năm 2018, anh tiếp tục giành giải nhất Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ VII. Năm 2019, anh được trao chứng nhận “Nhà khoa học của nông dân”. Và đến năm 2022, sáng chế “Máy nông nghiệp đa năng” chính thức được cấp bằng bảo hộ độc quyền Giải pháp hữu ích. Trước đó, anh cũng từng được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen “Gương điển hình tiên tiến” trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015.

Dựng nghiệp từ làng

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực máy nông nghiệp, anh Tạ Đình Huy còn thể hiện tinh thần học hỏi không ngừng bằng việc mở rộng sang lĩnh vực sản xuất cửa nhựa giả gỗ, với việc thành lập nhà máy chuyên sản xuất các loại cửa bằng vật liệu nhân tạo mang thương hiệu Kyoto. Mục tiêu của anh là cung cấp các sản phẩm bền đẹp, thân thiện với môi trường, đồng thời góp phần hạn chế khai thác gỗ tự nhiên, bảo vệ rừng, hướng tới phát triển bền vững.

Năm 2017, trong một lần sang nước bạn để tìm hiểu về dây chuyền sản xuất máy nông nghiệp hiện đại, anh Tạ Đình Huy và người cộng sự thân thiết Nguyễn Bá Thảo đã có một trải nghiệm ngoài dự kiến. Không chỉ ấn tượng với trình độ cơ khí tự động hóa cao, họ còn chú ý tới một dây chuyền sản xuất cửa nhựa theo công nghệ tiên tiến, được thiết kế để thay thế cửa gỗ trong xây dựng dân dụng.

Anh Huy kể lại, khi đứng trước quy trình ép nhựa, định hình khuôn và hoàn thiện sản phẩm chỉ trong vài phút, anh đã nghĩ ngay tới tiềm năng áp dụng tại quê nhà – nơi nhiều ngôi nhà nông thôn vẫn dùng cửa gỗ truyền thống, vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng đến tài nguyên rừng. Từ một cái nhìn thoáng qua, một ý tưởng mới lại được nhen nhóm.

Trở về Việt Nam, anh Huy và anh Thảo bắt tay vào nghiên cứu, điều chỉnh công nghệ cho phù hợp với điều kiện trong nước. Và không lâu sau đó, Công ty Cổ Phần Gỗ Nhựa Kyoto Group ra đời, ngay tại quê hương Hòa Phú do anh Nguyễn Bá Thảo điều hành.

Từ một dây chuyền thử nghiệm ban đầu, nhà máy sản xuất cửa nhựa của anh Tạ Đình Huy và cộng sự từng bước được mở rộng cả về quy mô lẫn công nghệ. Khi nhu cầu thị trường ngày càng tăng, các anh đã mạnh dạn đầu tư thêm nhà xưởng, máy móc bán tự động và khu vực hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Anh Nguyễn Bá Hiếu, phó giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ nhựa Kyoto Group cho biết: "Từ khi nhà máy thành lập đến giờ được 8 năm rồi. Lúc đầu quy mô sản xuất rất nhỏ, chỉ mấy nghìn mét vuông thôi, nhưng sự vào cuộc của anh em, quy mô sản xuất của nhà máy bây giờ là 15.000 mét vuông, sản xuất ra 1000 bộ cửa mỗi ngày cung cấp cho các đại lý, nhà phân phối."

Tại khu vực sản xuất của nhà máy Kyoto ở xã Liên Sơn, tỉnh Phú Thọ, âm thanh máy cắt, máy ép khuôn vang lên suốt ngày đêm. Trên dây chuyền, hàng chục công nhân phối hợp nhịp nhàng, người cắt, người ép khuôn, người hoàn thiện chi tiết bề mặt. Mỗi người một việc, góp phần tạo nên những sản phẩm hoàn chỉnh. Hệ thống nhà máy của Kyoto hiện tạo việc làm cho gần 500 lao động, phần lớn là con em địa phương.

"Công việc hàng ngày của tôi sản xuất phôi cửa. Trước làm lao động tự do ở ngoài, sau khi công ty mở, môi trường rất thoải mái, mình cũng gắn bó với công ty. Anh Huy là người cán bộ nhiệt tình, chỉ đạo anh em trong công việc." - Anh Nguyễn Văn Quý một lao động tại địa phương chia sẻ.

Từ một người thợ sửa xe không bằng cấp, đến chủ doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà máy hiện đại, hành trình của anh Tạ Đình Huy không chỉ là câu chuyện vượt khó, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của ý chí và tinh thần dám nghĩ dám làm, dám theo đuổi với niềm đam mê, lựa chọn của bản thân mình.

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận