Sinh năm 1929 tại Làng Nham Biểu, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Thành phố Huế). Bà Xuân Phượng được thừa hưởng lễ giáo tôn nghiêm của ông nội là quan trong triều đình Huế; sự thông tuệ của người cha vốn là Thanh tra chính kiêm Hiệu trưởng trường tiểu học duy nhất thời đó tại Đà Lạt. Thuở nhỏ, bà Xuân Phượng từng học tại ngôi trường dạy bằng tiếng Pháp - Couvent Des Oiseaux (Đà Lạt) - ngôi trường do Nam Phương Hoàng hậu bảo trợ. Cô bé Xuân Phượng 16 tuổi rời xa gia đình từ buổi chạng vạng sáng trên bến đò Chợ Mai ngày ấy với lòng quyết tâm theo cách mạng. Chớp mắt, hơn 30 năm theo kháng chiến, cuộc đời bà đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ… gánh trên đôi vai những mối hiểm nguy thực hiện nhiệm vụ người phóng viên tuyến lửa; những thăng trầm cơ cực của người vợ, người mẹ và cả những nỗi bi ai ứa nước mắt của thân phận đàn bà trong được mất của chiến tranh.
"Lúc ấy nhiều người hỏi tôi, bà có sợ không? Tôi cũng là người có da có thịt, có gia đình, tôi sợ vô cùng nhưng phải nói rằng, khi đã vào trận địa rồi thì không phải lúc mình run rẩy nữa mà lúc đó, bằng mọi giá làm thế nào mình thách thức lại bom đạn, mình đi cho bằng được con đường ấy. Và cái đó có thể nói là một trong những nguyên nhân hỏi tại sao người lính lại xông lên? Tại sao những phóng viên chiến trường như chúng tôi trước bom đạn lại cực kỳ quyết tâm và bình tĩnh, thì đó là một ý rất lạ lùng mà ai đã đi qua những phút giây nguy hiểm mới hiểu được"
Ít ai biết, bà Xuân Phượng đã thực hiện hàng loạt phim tài liệu nổi tiếng đạt giải thưởng lớn tại các Liên hoan phim quốc tế như: Giải Bồ câu Bạc cho bộ phim “Việt Nam và Chiếc xe đạp” tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig (CHDC Đức) năm 1974; Năm 1976, Giải chính thức của Ban Giám khảo cho bộ phim “Khi tiếng súng vừa tắt tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig năm 1976; tác phẩm “Khi những nụ cười trở lại” đạt giải Bồ Câu bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig năm 1978…
Bà Xuân Phượng đón chúng tôi trong căn phòng ấm cúng tại Thành phố Hồ Chí Minh được trang trí chủ yếu là sách. Mái tóc trắng cắt ngắn, chiếc đầm hoa văn đen trắng trang nhã, bà Xuân Phượng nhanh tay bấm bàn phím máy tính, một bên là chiếc điện thoại thỉnh thoảng lại nổi lên tiếng chuông…bà Xuân Phượng trước mắt chúng tôi hoàn toàn không giống như một người phụ nữ đã bước sang tuổi 96. Có lẽ với bà Xuân Phượng, đó chỉ đơn giản là một con số, bởi với bà, hơn 90 năm trải qua rất nhiều thăng trầm, trong con người đàn bà được mệnh danh là: “Người đàn bà thép của hội hoạ Việt Nam” vẫn luôn là sự khát khao sáng và được cống hiến hết mình.
"Năm 1986, năm ấy tôi về hưu. Thì tôi lo là, sau khi về hưu thì mình làm gì bây giờ vì ngoài công việc làm quay phim chiến trường thì không có nghề gì phù hợp cho tuổi hưu của mình. (21340) Khi ở Đài Truyền hình tôi làm về mỹ thuật rất nhiều, tôi đi theo các nhà văn nhà báo rất nhiều vì mục của tôi là: Đất nước ta tươi đẹp mà nên tôi nghĩ, hay là bây giờ mình thử làm tranh có được không? Bạn hỏi tôi, tại sao là mỹ thuật mà không phải ngành khác, bởi vì tôi am hiểu cái đó. Tôi cũng làm thử ở Pháp thành công thì tôi nghĩ rằng, Pháp mà được thì tôi nghĩ nước khác cũng sẽ được. Nên tôi cương quyết mở phòng tranh với mục tiêu duy nhất là phát hiện, tìm tòi, phát triển tài năng trẻ chưa ai biết. Tôi làm như vậy là muốn chứng minh với mọi người là về hưu không phải đã hết. Thứ nữa, mình sống cuộc đời thứ 2 của mình sau hưu phải làm sao cho xứng đáng với cuộc đời trước mình đã sống"
Vượt qua sự hoài nghi và ngăn cản của mọi người, năm 1991, bà Xuân Phượng mở phòng tranh tư nhân lấy tên Lotus Gallery để rồi một lần nữa, bà với nỗ lực làm việc không mệt mỏi mang những giá trị văn hóa của người Việt vươn ra thế giới. Điều gì đã khiến một người đã đến tuổi về hưu lại nhiệt huyết cống hiến như thế? Đó chẳng phải là một tinh thần mạnh mẽ cùng với lòng yêu nước mãnh liệt hay sao? Chính sự dấn thân của bà đã được công nhận bằng Huân chương Bắc đẩu bội tinh do Chính phủ Pháp trao năm 2011 vì những cuộc triển lãm tranh và đóng góp không ngừng nghỉ cho tình hữu nghị Pháp - Việt.
Những nụ cười và những giọt nước mắt luôn xuất hiện trong dòng ký ức, bà Xuân Phượng nói: “Bà có hai cuộc đời. Một là những năm theo kháng chiến, đặc biệt là những tháng ngày ở Vĩnh Linh và cuộc đời sau này, bà dành cho hội hoạ”. Tất cả những gì bà đã sống ở cả hai cuộc đời ấy, bà dành cả vào những trang hồi ký: “Gánh gánh gồng gồng”.
"Tôi viết hồi ký này, mục đích không kém phần quan trọng đối với tôi là cho lớp trẻ hiểu được một cách chân thật về những vui, buồn, cái khổ, cái hy sinh chịu đựng của những con người, nhất là những con người trí thức đã tham gia vào cuộc chiến như thế nào và họ quyết tâm đi theo con đường đó mặc dù có chông gai, có vấp ngã, có khó khăn. Nhưng một con đường đã vạch như vậy là con đường tất yếu mà một con người phải đi. Tôi muốn giới trẻ hiểu được qua cuốn hồi ký về những việc mà một con người trong lúc nào Tổ Quốc cần; trong những giây phút quan trọng của lịch sử thì vai trò đóng góp trong cuộc chiến đấu đó là cần thiết, là tất yếu."
93 tuổi, bà Xuân Phượng bắt đầu cầm bút ghi lại 2 cuộc đời của mình và lấy tên cuốn hồi ký từ một câu đồng dao. “Gánh gánh gồng gồng, gánh sông gánh núi” như một hình ảnh tượng trưng cho người đàn bà Việt Nam bao đời vẫn gánh hai vai trọn việc nước việc nhà. Không phải với giọng văn kể lể, thê lương, những trang hồi ký đầy ắp sự kiện, chi tiết nhẹ nhàng cuốn hút người đọc lật giở từng trang, từng trang…và rồi đến trang cuối lúc nào. Qua mỗi trang hồi ký, người đọc cảm nhận một người đàn bà vẫn luôn dịu dàng nhưng kiên cường từng bước xoay xở vận mệnh của mình để vượt qua gian truân khổ ải, kiên định với con đường theo cách mạng. Đó cũng là cảm nhận của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng khi cầm cuốn hồi ký: Gánh gánh gồng gồng.
80 năm từ tiếng gọi đò bên bến đò Chợ Mai, trải qua bao gian truân, nếm trải đủ cay đắng, ngọt ngào của đời người…người đàn bà Gánh gồng ấy vẫn chưa bao giờ dừng lại. Với vai trò cố vấn cho phòng tranh Lotus, bà Xuân Phượng vẫn tiếp tục gánh gồng trên đôi vai những trăn trở của ngành mỹ thuật Việt Nam, vẫn tiếp tục nâng đỡ những tài năng hội hoạ trẻ và tiếng gọi đò năm nào vẫn vang lên, như thôi thúc bà tiếp tục cống hiến cho lý tưởng mà bà đã chọn.
Bình luận