Thái Nguyên: Làng Thái Hải điểm đến hấp dẫn du khách
VOV1 - Bản làng Thái Hải” ở xã Thị Đức, thành phố Thái Nguyên từng nhận Giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới” năm 2022 do Tổ chức Du lịch thế giới trao tặng và được chuyên trang du lịch CNN Travel liệt kê vào danh sách những vùng nông thôn đẹp nhất thế giới.

Cách Hà Nội chừng 70 km, "Bản làng Thái Hải" ở xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên là một bản người Tày còn như nguyên bản. Ấn tường đầu tiên khi tới đây đó là sự sạch sẽ. Du khách đến Thái Hải được bà con dân bản đón tiếp giống như là đón người thân về nhà. Người Tày vốn rất hiếu khách, trước cổng làng luôn có một cái mõ. Khi đến, khách dùng gậy đánh vào mõ. Tiếng mõ vang vọng khắp làng để người dân biết chuẩn bị tiếp khách quý. Chị Nguyễn Thị Thu Thảo một khách du lịch ở Hà Nội cảm nhận như thế này:

Bà con dân làng rất nhiệt tình và thơm thảo, không khí trong lành mát mẻ, đồ ăn khá là ngon. Em thấy ở đây rất gần gũi hơn các khu du lịch khác, nó không quá đông. Mình có cảm giác như mình được về quê nhà mình thấy rất thoải mái..

Tại ngôi làng đặc biệt này, người dân ăn chung, tiêu chung túi tiền, cùng nuôi dạy con cái và làm du lịch cộng đồng. Tiền kiếm được đều được đưa vào quỹ chung của cả làng để cùng chi tiêu, từ việc ăn uống, mua sắm, viện phí, học hành cho các em nhỏ. Chị Văn Thị Thơ thành viên trong đại gia đình Thái Hải cho hay:

Ở đây chúng em làm chung, ăn chung và tiêu chung một túi tiền. Mọi người đi làm đến bữa về sảnh làng cùng ăn cơm, đến tối về không gian nhà riêng của mình để ngủ thôi. Tất cả mọi sinh hoạt đều chung hết. Nếu như mình có nhu cầu đi ra ngoài tiêu gì thì đề xuất bởi vì ở đây bà trưởng làng đã lo cho tất cả từ thứ nhỏ nhất.

Mỗi ngày, sau một hồi mõ báo thức các gia đình trong làng cùng thức dậy chuẩn bị cho một ngày lao động. Mỗi người làm một việc, người đi lấy củi, trồng rau, chăn nuôi.. người đón tiếp khách tham quan. Bà Lê Thị Hảo, thành viên đại gia đình Thái Hải, cho biết:

Tôi không phải là người Tày, tôi là người Kinh. Khi tôi được biết co trưởng làng Nguyễn Thị Thanh Hải có ý tưởng gìn giữ phát huy văn hóa của đồng bào Tày tại đây. Vì yêu thích văn hóa Tày nên tôi xin về đây cùng bà con bản làng gìn giữ văn hóa Tày. Chúng tôi được cùng ăn, cùng ở, cùng làm, tiêu chung túi tiền ản thân tôi thấy rất hạnh phúc.

Hai mươi năm trước, bà trưởng làng Nguyễn Thị Thanh Hải về xã Thịnh Đức mua gom đất trồng rừng, làm nơi bảo tồn nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, với gần 30 nếp nhà sàn. Không chỉ giữ lại những ngôi nhà sàn, bảo tồn nếp sống sinh hoạt, truyền thống văn hóa, đời sống lao động của đồng bào Tày đã tạo nên hồn cốt ở làng Thái Hải. Thấp thoáng dưới những bóng cây là nếp nhà sàn truyền thống, mỗi nhà đều có một chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Nhà thuốc, nhà rượu, nhà đan lát, nhà ẩm thực, nhà hát Then đều được tổ chức, giữ gìn theo văn hóa truyền thống của người Tày.  Bà Lê Thị Nga, Phó “Bản làng Thái Hải” cho biết:

Mình không chỉ gìn giữ phần xác của nhà sàn mà mình phải thổi vào đó linh hồn cuộc sống của dân tộc Tày. Chính vì vậy những ai yêu mến, biết đến, ai có duyên thì về với bản làng. Mọi người đến đây cùng ở với nhau một cộng đồng, cùng gìn giữ văn hóa Tày. Ai dân tộc nào đến đây cũng được chứ không phải mỗi người Tày. Lúc đầu mới gây dựng chỉ vài chục người thôi, nhưng hiện tại sau 23 năm Thái Hải đã có gần 200 người, Hà Nội có, Kiên Giang có, Vĩnh Phúc, Nghệ An có .. mọi người yêu mến văn hóa Tày và cùng nhau về đây sinh sống.

Ban đầu “Bản làng Thái Hải” được thành lập không phải để khai thác du lịch mà nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống người Tày. Ở đây văn hóa phi vật thể rất được coi trọng, quần áo, trang phục truyền thống, hát then đàn tính, đặc biệt là ngôn ngữ. Mọi thành viên đều giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc Tày. Những nét văn hóa tâm linh tín ngưỡng như lễ hội lồng tồng, lễ mừng thọ, cúng mụ và các nghi thức thờ cúng tổ tiên được duy trì. “Hữu xạ tư nhiên hương” những nét đẹp, món ăn ngon ở Thái Hải đã thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá. Năm 2014, “Bản làng Thái Hải” chính thức được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên công nhận là điểm du lịch của tỉnh. Ông Phạm Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên, cho biết:

Doanh nghiệp này xuất phát từ mô hình gìn giữ truyền thống bản làng Thái Hải người Tày. Doanh nghiệp này có sản phẩm được đánh giá 5 sao cấp trung ương. Đây là sản phẩm du lịch cộng đồng đã được ghi nhận của các cấp, các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương. Về mặt xã hội thì đây là một mô hình phát triển kinh tế của một cộng đồng dân tộc Tày. Mục đích cuối cùng là phát triển kinh tế giúp cho các thành viên trong bản làng có điều kiện nâng cao thu nhập. Về góc độ chính trị vẫn phải tuân thủ đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật Nhà nước.

Thái Hải hiện nay đang là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Cùng với việc khám phá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày thì mô hình sinh hoạt cộng đồng ở Thái Hải cũng được nhiều người quan tâm tìm đến./.  

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận