“Non sông liền một dải” được sắp đặt với ba phần trọng tâm. Phần 1: Khát vọng thống nhất, giới thiệu: Nhân dân Việt Nam thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ; bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc đấu tranh đòi hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân hai miền Nam – Bắc.

Phần 2: Nước Việt Nam là một – Dân tộc Việt Nam là một, giới thiệu về đường lối, quyết sách sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân Việt Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; Sự ủng hộ, chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam; sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Phần 3: Non sông liền một dải, giới thiệu những thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam; Không khí tưng bừng, niềm vui của ngày thống nhất non sông; nhân dân hai miền Nam - Bắc sum họp; Đất nước Việt Nam thống nhất, non sông liền một dải.

Nhớ lại thời khắc lịch sử của cuộc kháng chiến khi xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, Cựu chiến binh Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ xe tăng 390 cho biết: “Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, thần tốc thần tốc, đi đến kết quả rất cao. Ở mũi về hướng đông, quân đoàn 2 của chúng tôi có 2 chiếc xe tăng đến sớm nhất là 843 và 390, chiếc xe đấy là của đại đội trưởng Bùi Quang Thận và chính trị viên Vũ Đăng Toàn. Xe tăng 390 của chúng tôi theo sơ đồ của ông Bùi Văn Tùng, đi qua cầu Thị Nghè, bảy ngã tư rẽ trái vào Dinh Độc lập thì chúng tôi đi theo đường Hồng Thập Tự, xe tăng tốc độ đâm đổ vào Dinh Độc lập, đại diện cho sức mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam đâm đổ một chế độ, đại diện cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. 21 năm đầy gian khổ hy sinh mới có giây phút này.”

Đến với trưng bày “Non sông liền một dải” vào một ngày tháng 4 lịch sử, tham quan các hình ảnh, hiện vật, minh chứng cho những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Hồ Việt Hà, quận Long Biên, Hà Nội không khỏi bồi hồi nhớ lại: “Tôi đến đây trong một cảm xúc của ngày 30/4, 50 năm xhiến thắng giải phóng Sài Gòn, bản thân tôi cũng lớn lên, trải qua từ cuộc chiến chống Mỹ sau đấy cả phía Bắc phía Nam bảo vệ Tổ quốc. Tôi rất hiểu giá trị của cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốcc, giành độc lập. Tôi đã chứng kiến giây phút người dân Hà Nội đứng dưới lòng đường bờ hồ để nghe tin báo, hôm nay giải phóng được tỉnh nào và người dân vỗ tay. Tôi nói lúc nãy tôi nghẹn ngào, muốn khóc, nhớ lại. Tôi muốn nhìn lại những giá trị để giải đáp một câu, vì sao Đảng và bác lãnh đạo đất nước mình trải qua kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và người dân từ Bắc chí Nam đã hướng tới một công cuộc giải phóng đất nước như thế nào.”
Trưng bày “Non sống liền một dải” không những mang đến những cảm xúc đặc biệt với các cựu chiến binh, người dân đã đi qua cuộc kháng chiến mà còn để lại nhiều ấn tượng cho các bạn trẻ qua hình lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới và mô hình sa bàn mô phỏng hình ảnh xe tăng (robot điều khiển) tiến vào Dinh Độc lập và cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập
Bạn Trương Lê Đình Mạnh, sinh viên trường Học viện Báo chí và tuyên truyền cho rằng “Điều ấn tượng nhất với mình phải nói đến phía trên trần nhà được gắn rất nhiều lá cờ Việt Nam sao vàng phấp phới, đây như một dòng chảy để hòa chung không khí của dân tộc với lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trong triển lãm này mình thấy có một điều vô cùng đặc biệt, chính là bộ mô phỏng gắn cờ trên dinh độc lập, cho thấy ứng dụng công nghệ kỹ thuật để cho giới trẻ thấy được rằng ,lịch sử là một chủ đề rất dồi dào để chúng ta khai thác, thực hiện trên tất cả các lĩnh vực khác nhau như kỹ thuật và các công nghệ.”

Xúc động trước những hình ảnh, tư liệu về cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm của dân tộc, bạn Nguyễn Việt Trung làm việc ở Hà Nội xúc động: “Khi tham quan trưng bày triển lãm “Non sông liền một dải”, bản thân tôi mang trong mình niềm bồi hồi, xúc động cũng như niềm tự hào về chiến thắng lịch sử của cha ông ta cách đây tròn 50 năm về trước. Là người trẻ, thế hệ thanh niên tương lai của đất nước, mỗi người trẻ chúng tôi càng nhận thức được rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với tương lai đất nước, phải cố gắng ra sức học tập, rèn luyện để xây dựng đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh hơn nữa, để xứng đáng với máu xương máu cha ông đã bỏ ra đối với sự nghiệp như ngày hôm nay.”
Trưng bày “Non sông liền một dải” mở cửa từ nay đến tháng 8/2025 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia./.
Bình luận