Ngược dòng lịch sử để hiểu “kì công diệu nghệ” của cha ông
VOV1 - Các “kì công diệu nghệ” của cha ông trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, hàng hải hay quân sự như máy thuỷ hoả kí tế, chiến cụ bay, súng bắn nhiều phát, áo giáp “mềm”, cốc mồi có nắp của súng… trước thế kỉ XX đã khiến các nhà du hành, nhà nghiên cứu lịch sử thế giơi phải kinh ngạc.

 Bất chấp những cơn mưa nặng hạt, xối xả kéo dài suốt cả ngày, chiều 24/5, hội trường Nhà xuất bản Kim Đồng vẫn kín chỗ. Qua lời chia sẻ của anh Đông Nguyễn, tác giả sáng lập nhiều nhóm và trang chuyên nghiên cứu về lịch sử, văn hoá cổ như Đại Việt Cổ Phong, VietNam Centre, Vương Sư Kiên Duệ… kể về những sáng tạo kĩ thuật và công nghệ của cha ông ta trước thế kỉ XX như máy thuỷ hoả kí tế, chiến cụ bay, súng bắn nhiều phát, áo giáp “mềm”, cốc mồi có nắp của súng, hệ thống lọc nước bằng cát chậm, đài đèn Quảng Chiếu, gạo Chăm Pa, bảo quản lương thực…  Tác giả Đông Nguyễn chia sẻ về hành trình tìm kiếm và chứng minh trí tuệ và sức sáng tạo của ông cha qua các công trình được ghi chép lại: "Có những ghi chép của nước ngoài nữa họ rất thán phục công nghệ đóng tàu và những phát minh về tàu bè của cha ông ta. Thậm chí đến cả những nhà quan sát của hải quân Hoa Kì vào thập niên 1960 – 1970 cũng rất thán phục về những phương pháp đóng tàu của chúng ta. Đó chính là những cứ liệu rất vững chắc về trí óc và sự tài hoa của cha ông chúng ta."

Ví dụ như thuyền đáy đan nan – một sáng tạo độc đáo của người Việt có vỏ dẻo dai, chịu được những cú va chạm, vỏ thuyền ngâm nước, nhờ rẻ tiền nên có thể thay thế được thường xuyên trong khi phần trên khô, cứng cáp có thể dùng suốt đời. Đáy đan nan được thay thế hoàn toàn mỗi 5 năm/ lần, chi phí chưa bằng một nửa của ván đáy gỗ. Trung Hoa và các nước Đông Nam Á khác đều không thấy kiểu thuyền này. Những nhà quan sát của hải quân Hoa Kì giữa thế kỉ XX đã ghi nhận sự tồn tại của những thuyền đáy đan nan như sau: “Người ta không khỏi lấy làm lạ khi nhìn những chiếc thuyền lớn dài 40 hoặc 50 feet (tương đương 12 – 15 m), lượng choán nước vài tấn, mà đáy được làm từ các nan tre mỏng ghép lại”. Tìm hiểu từ các mô hình 3D tác giả Đông Nguyễn phục dựng và tạo hình, hoạ sĩ KaoVjets Ngujens –người Latvia gốc Việt đã tái hiện lên chân thực và sinh động 30 kĩ thuật và công nghệ nổi trội, cả du nhập lẫn tự sáng tạo mà người Kinh, người Chăm.. đã ứng dụng vào đời sống trước thế kỉ XX: "Thường khi nói về kỹ thuật của người Việt thì mọi người thường nghĩ đấy là những sách hàn lâm. Các bạn trẻ có thể khó tiếp cận. Với quyển sách được minh hoạ đơn giản, không chú thích quá nhiều thì các bạn dễ tiếp cận hơn. Từ đó khi đã hứng thú rồi các bạn có thể tự mình nghiên cứu sâu hơn. Văn hoá lịch sử Việt Nam là một kho tàng rất lớn, có thể ở bất cứ dự án nào phim ảnh, truyện, sách nên mình luôn cố gắng tham gia tất cả các dự án nếu mà nó có giá trị, truyền tải tốt thông điệp về văn hoá lịch sử."

Tìm hiểu về các “kì công diệu nghệ” của cha ông qua cuốn sách cùng tên, người dân thủ đô không khỏi tự hào trước sự sáng tạo và tay nghề điêu luyện của cha ông. Từ thế kỉ XVIII đã có một người Việt bôn ba sang tận Hà Lan để học làm đồng hồ cơ và kính viễn vọng. Hay người dân Giao Chỉ đã biết dùng thân cây chuối để luyện thành những sợi tơ đẹp, nhỏ như lụa. Và xe cứu hoả đã xuất hiện từ thời vua Minh Mạng với hiệu quả vượt trội. Chị Ngô Thị Quỳnh Giao (biệt danh Giao Cùn) nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội cho rằng: "Đây là cuốn sách phá vỡ mọi định kiến và giới hạn trong tìm hiểu lịch sử của Giao. Những thông tin như thế này là vô cùng quý báu, chúng ta không thể nào tra trên mạng được, khởi đầu mới cho toàn bộ nhận thức của chúng ta, là nguồn động lực để các bạn trẻ dấn thân vào con đường này."

Anh Nguyễn Viết Long ở quận Thanh Xuân, Hà Nội thấy bất ngờ khi "thời gian đó nước mình đã có những công nghệ không kém gì so với trên thế giới. Tôi rất ấn tượng câu chuyện ngày xưa chiến tranh giữa các triều đại, người ta đã biết dùng dù bay trên trời để làm hoả công."

Những nội dung trong sách bước đầu được khảo cứu qua các văn bản và thư tịch cổ, được chú thích chi tiết để người đọc có cơ sở kiểm chứng lại, khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc, trở thành nguồn cảm hứng tích cực, thổi niềm đam mê khoa học và đổi mới công nghệ với những người trẻ hôm nay./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận