Mộc bản giữ hồn dân tộc, nơi bắt đầu của tĩnh tại và trí tuệ
VOV1 - Không chỉ là chốn tổ Thiền phái Trúc Lâm, chùa Vĩnh Nghiêm còn được xem là trụ sở của Phật giáo Trúc Lâm, là nơi giữ hồn kinh Phật và gìn giữ gốc rễ văn hóa và tinh thần Việt suốt hơn 700 năm qua.

Tựa lưng vào núi Cô Tiên, soi mình bên hợp lưu hai dòng Lục Nam và Thương giang, chùa Vĩnh Nghiêm (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) không chỉ là một ngôi cổ tự mà còn là nơi trí tuệ, đạo hạnh và văn hóa dân tộc hội tụ, lan tỏa. Không ngẫu nhiên, nghệ thuật chạm khắc kinh kệ của Phật giáo Trúc Lâm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2012. Hiện hơn 3.000 mộc bản kinh Phật cổ còn lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm chính là “mã nguồn gốc” của thiền học Trúc Lâm, hệ tư tưởng đặc sắc và thuần Việt bậc nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Dạo bước qua Tam quan cổ kính, đứng trước những tòa nhà hơn bảy trăm năm tuổi, nhìn từng đường khắc trên những ván mộc nhuốm màu thời gian, chúng ta không chỉ đang ngắm một di sản mà đang đọc lại trí tuệ của các bậc tiền nhân. Các bản mộc này được khắc tay trên gỗ thị hoặc gỗ mít, không chỉ truyền tải kinh điển nhà Phật, mà còn là kho tàng y học, đạo đức, nghi lễ, và cách người xưa nghĩ về hạnh phúc và chữa lành. Những chữ Hán – Nôm được khắc tinh xảo thể hiện sự sống động, lưu giữ những giá trị Việt trên bản gỗ trước khi thế giới biết đến dữ liệu số.

Gia đình ông Đỗ Xuân Luyện đã sống cạnh chùa hơn 60 năm. Ông kể, trước năm 1975, nhiều người chưa thấy được giá trị của những ván mộc, chỉ từ khi Hòa thượng Thích Thiện Văn về trụ trì và tổ chức lại chùa, những mộc bản còn lại mới được bảo quản cẩn trọng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, giờ đây ngôi chùa vẫn giữ được nét tôn nghiêm, là chốn đi về của những người dân đất Việt: “Ngày xưa vào đúng tối ngày chính lễ hội chùa 14 tháng 2 âm lịch gần như cả thôn không ai có chỗ ngủ vì trong Tam bảo chật cứng các cụ. Do ngày xưa các cụ không có phương tiện, nên đi bộ đến đây từ 2-3 ngày trước với cơm nắm, muối vừng, vào những nhà dân xung quanh để ngủ. Đến bây giờ vẫn giữ được những bản sắc như thế. Đặc trưng cùa chùa Vĩnh Nghiêm là không ồn ào, đông đến mấy thì đông nhưng cực kì nhẹ nhàng, mang tính chất tâm linh, không lộ cộ, ồn ào, vẫn giữ được nét tôn nghiêm đến bây giờ.”

Tại chùa Vĩnh Nghiêm, những mộc bản không nằm im trong lồng kính. Chúng sống tiếp bằng cách được đọc, được phiên dịch và được lan tỏa. Từ năm 2015 đến nay, chùa Vĩnh Nghiêm đã dịch và tái bản thành công 3 bộ, trong đó có bộ “Cư trần lạc đạo”- viên ngọc trong kho tàng thiền học Trúc Lâm. Những bản in song ngữ Nôm – Việt, Việt – Anh đang mở đường để thế giới hiểu thêm về đời sống văn hóa, tôn giáo thuần Việt.

Thượng tọa Thích Thanh Vịnh, Phó Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho biết: “Chùa Vĩnh Nghiêm đóng hai vai trò chính, trước đây, là trung tâm giảng pháp của Phật giáo Trúc Lâm và là nơi để san khắc và in ấn, phát hành kinh điển. May mắn cho chùa Vĩnh Nghiêm là ngày hôm nay vẫn giữ được trên 3.000 cái ván mộc bản đã được UNESCO vinh danh từ năm 2012. Chúng tôi cũng hướng tới phương pháp bảo tồn mộc bản bằng phương pháp phiên dịch. Ban Trị sự phân ra từng bộ một, bộ nào có giá trị thiết thực với xã hội hiện đại ngày nay thì sẽ đưa vào để dịch. Vì vậy từ năm 2015 chùa đã dịch được 3 bộ và có giá trị sử dụng cao.”

Không gian chùa không chỉ là một câu chuyện kể không lời mà còn là một kiệt tác kiến trúc cổ, lưu giữ nguyên vẹn tinh thần Phật giáo thời Lý – Trần: từ Cổng Tam Quan uy nghi, đến Bái đường, Thiêu hương, Thượng điện, gác chuông 8 mái... Chùa có niên đại từ thời Lý Thái Tổ (1009 – 1208), đến thời vua Trần Nhân Tông (1279 – 1293) chùa được mở rộng, tôn tạo. Đây là nơi ba vị Tổ Trúc Lâm từng trụ trì, là trụ sở Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm, trường đào tạo tăng ni đầu tiên của Việt Nam.

Tiếng chuông vang giữa rừng, là mái ngói rêu phong, là tiếng kinh trầm lắng và là bàn tay của người dân mỗi tuần vẫn cùng lau chùi, quét dọn từng viên gạch cổ. Từ thế kỷ XIII đến nay, chùa chưa từng bị lãng quên. Bởi người dân nơi đây không chỉ coi đó là chùa, mà là “nhà tổ”, nơi tích đức cho con cháu, nơi về để tìm lại mình.

Bà Chu Thị Thuyên, du khách tới từ tỉnh Bắc Ninh và anh Hoàng Minh Cường tới từ thành phố Hà Nội bày tỏ: “Ngôi chùa này rất cổ kính từ thời xa xưa, rất là linh thiêng. Tôi đã đi nhiều chùa nhưng tôi thấy chùa Vĩnh Nghiêm hết sức bình yên. Khi đi vào chùa mình cảm thấy như vào chốn thanh bình, bình an.”

 “Như một cái duyên tình cờ, cũng như là định mệnh, sau khi biết đến chùa thì tôi mỗi lần về đến chùa tôi như được trở về với nơi an nhiên, tự tại, cái tâm mình cảm thấy thực sự thoải mái, tĩnh tâm. Với mỗi lần như vậy thì mình như được trở về nơi mình muốn được về. Đây là một ngôi cổ tự linh thiêng và uy nghiêm”.

Về Vĩnh Nghiêm để cảm nhận "Cái hồn chùa xưa thanh tịnh" vẫn được gìn giữ đến hôm nay. Những người như ông Đỗ Xuân Luyện, bà Nguyễn Thị Hiền, hay ni sư Thích Tâm Thiện, mỗi người một việc, một tâm nguyện, nhưng đều chung tay bảo tồn không gian, tinh thần, bản sắc chùa Vĩnh Nghiêm. “Ở đây từ xưa đến nay người dân và nhà chùa lúc nào cũng đồng lòng, việc dù to dù nhỏ đều rất ủng hộ nhau, cho nên từ thôn trong đến thôn ngoài mọi người đều yêu quý nhau. Địa phương, người dân và nhà chùa luôn gìn giữ những di sản trong chùa từ bao đời nay. Bao sái, lau chùi, quét dọn trong khuôn viên chùa vào thứ 7 hằng tuần vẫn cử nhau ra quét dọn. Các cụ rất đoàn kết, lau chùi cẩn thận, nghiêm túc, cùng nhau bảo tồn di sản.”

Không chỉ là chốn tổ Thiền phái Trúc Lâm, chùa Vĩnh Nghiêm còn được xem là trụ sở của Phật giáo Trúc Lâm, nơi đào tạo tăng ni đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây không chỉ giữ hồn kinh Phật, mà còn gìn giữ gốc rễ văn hóa và tinh thần Việt suốt hơn 700 năm qua. Đứng giữa hơn 3.000 mộc bản, thế hệ chúng ta hiểu rằng, có những thứ không chỉ cần lưu giữ mà chúng cần được tiếp nối./.

Nguyễn Hoàng Duy Thái/VOV Đông Bắc

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận