Theo định hướng của Chiến lược, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 này, đến năm 2030, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thực hiện truyền thông và quảng bá hình ảnh địa phương ra nước ngoài theo định hướng thống nhất; tổ chức ít nhất 10 chiến dịch truyền thông trọng điểm mang tầm quốc tế; nâng mức độ nội dung tích cực về Việt Nam trên báo chí quốc tế và nền tảng số lên ít nhất 80%.
Ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: "Mục tiêu chung được đề ra trong Chiến lược là thúc đẩy thông tin tích cực về Việt Nam trong và ngoài nước nhằm tăng sự nhận diện tích cực về một hình ảnh Việt Nam “Ổn định, phát triển, đổi mới và sáng tạo, giàu bản sắc văn hóa”. Chiến lược này phải góp phần đạt mục tiêu của đất nước về công nghiệp văn hoá, chiến lược sẽ hỗ trợ cho những chỉ số này: công nghiệp văn hoá đóng góp 8%, du lịch đóng góp 14% GDP thu hút ít nhất 35 triệu khách quốc tế vào năm 2030, đặc biệt là chỉ số GDP năm 2035 là tăng 8%."
Các đại biểu tham dự tọa đàm đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, góp ý về định vị hình ảnh quốc gia, phương pháp kể câu chuyện Việt Nam ra thế giới, kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng thương hiệu quốc gia, cũng như vai trò của truyền thông số và lực lượng “người kể chuyện độc lập” trong kỷ nguyên đa nền tảng. Song song đó là các giải pháp hỗ trợ cụ thể như nâng cao năng lực cho các địa phương, xây dựng thương hiệu đặc trưng, tổ chức điều tra, khảo sát quốc tế và phát huy vai trò của các nền tảng truyền thông đối ngoại. TS Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng: "Chúng ta phải nghĩ là thế giới cần gì ở mình thay vì chỉ nói những cái tôi có, nên phải nói bằng ngôn ngữ của thế giới, đặt mình vào địa vị người thụ hưởng để sau truyền thông. Nếu chỉ có thông tin thôi thì sẽ chỉ đẩy ra, để một thông điệp truyền thông sống được cần có sự lan toả đằng sau, khi lan toả, sống được thì khi ấy mới thực sự kiến tạo."
Ông Vũ Quốc Trí - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, việc xây dựng một chiến lược truyền thông hiện đại, đồng bộ và có sức cạnh tranh trong khu vực được xem là bước đi quan trọng nhằm lan tỏa giá trị Việt Nam trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. "Trước hết chúng tôi phải khẳng định thương hiệu quốc gia là cốt lõi cho công tác truyền thông quảng bá. Mục tiêu của ngành du lịch là thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế do vậy hình ảnh quốc gia của Việt Nam càng có giá trị trên thế giới, càng được nhiều người quan tâm thì ngành du lịch càng phát triển. Đó là cốt lõi của công tác xúc tiến quảng bá truyền thông. Thương hiệu du lịch quốc gia đi sâu khai thác cảm xúc những người nước ngoài khi nhìn thấy những thương hiệu đó giúp cho người ta quyết định đi du lịch Việt Nam."
Trong bối cảnh uy tín và vị thế quốc gia ngày càng được củng cố, cùng với sự gia tăng niềm tin của cộng đồng quốc tế vào thể chế và năng lực điều hành của Việt Nam, việc khơi dậy khát vọng phát triển và hình ảnh một quốc gia hùng cường trở thành một yêu cầu tất yếu./.
Bình luận