Vịnh Bái Tử Long ở phía tây nam vịnh Hạ Long và nằm phần lớn trên vùng biển Vân Đồn, có điểm nhấn là Vườn quốc gia Bái Tử Long với sự kết hợp của 3 dạng địa hình: trên cạn, đất ngập nước và biển. Vườn quốc gia Bái Tử Long cũng được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á chính thức công nhận là "Vườn di sản ASEAN thứ 38" vào năm 2016. Ông Phạm Quốc Việt, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Bái Tử Long cho biết, nơi đây được ví như một “bảo tàng tự nhiên”, là "thiên đường sinh thái" quý giá với hàng nghìn loài động thực vật, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới:
“Hệ thống các đảo, núi đất tại Vườn quốc gia Bái Tử Long là điểm khác biệt lớn nhất so với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Đảo núi đất này là nơi cư ngụ của rất nhiều các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, tạo ra những giá trị đa dạng sinh học rất là cao, tạo điều kiện hình thành nên các sản phẩm du lịch sinh thái sẽ cung cấp cho khách du lịch lựa chọn mới, thu hút lượng khách du lịch cũng như là gia tăng nguồn thu cho tỉnh Quảng Ninh.”

Dù có tiềm năng vượt trội và khác biệt đáng kể so với vùng di sản liền kề, vịnh Bái Tử Long hiện được cấp phép hoạt động ở 5 hành trình du lịch xuất phát từ cảng Ao Tiên. Dù vậy, thực tế mới có tàu du lịch khai thác 2 hành trình từ đất liền đi đảo Tây Hoi - hòn Mèo May Mắn - đảo Bản Sen - hang Nhà Trò và đất liền đi hang Phất Cờ - khu nuôi trai ngọc (hòn Đá Đen) - cống Lão Vọng - hòn Đũa - đảo Minh Châu. Nhiều doanh nghiệp du lịch đánh giá khu vực hấp dẫn nhất là tuyến tham quan, trải nghiệm Vườn quốc gia Bái Tử Long chưa được cấp phép hoạt động, khiến việc xây dựng, kết nối các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái còn hạn chế. Ông Phạm Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Quảng Ninh nêu ý kiến:
“Tại Vịnh Hạ Long, chúng ta tập trung vào việc tham quan trên tàu, hang động thì dưới Bái Tử Long là du thuyền. Nhưng mà chúng ta phải thêm những cái khám phá khác như phiêu lưu sinh thái và thể thao biển. Nếu chúng ta đầu tư bài bản với việc này, tôi nghĩ rằng là Vân Đồn sẽ làm điểm đến độc đáo, tạo sức hút mới, và tạo hiệu ứng mạnh mẽ trên bản đồ du lịch của Việt Nam và thế giới. Như dịch vụ như leo núi hay đua thuyền buồm, lướt ván diều, lướt sóng. Tôi nghĩ rằng là vùng biển mở và gió mạnh thì hoàn toàn có thể tạo những giải thể thao biển quốc tế.”

Nhiều năm qua, huyện Vân Đồn được tỉnh Quảng Ninh xác định là vùng trọng điểm phát triển, định hướng trở thành khu kinh tế biển đảo xanh, hiện đại và thông minh. Với chiến lược lấy ngành dịch vụ, du lịch cao cấp, công nghệ cao, công nghiệp giải trí hiện đại làm trụ cột, địa phương này đã được đầu tư nhiều công trình hạ tầng chiến lược như cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách cao cấp Ao Tiên, đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Vân Đồn – Móng Cái... tạo nên trục giao thông liên hoàn, mở cánh cửa cho du lịch Bái Tử Long. Cùng với đó, huyện Vân Đồn đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp chiến lược trong lĩnh vực du lịch - bất động sản. Đến nay, địa phương đã đưa vào khai thác 13 sản phẩm du lịch mới; có hơn 200 cơ sở lưu trú với trên 3.000 phòng, trong đó nhiều khách sạn đạt chuẩn 4-5 sao. Ông Nguyễn Thành Trung, đại diện một doanh nghiệp du lịch tại địa phương cho rằng, dù có nhiều lợi thế nhưng điểm yếu của Vân Đồn là sự thiếu liên kết hạ tầng giữa các điểm du lịch:
“Để phát huy giá trị tiềm năng của vịnh Bái Tử Long, phải có giải pháp để kết nối hạ tầng xung quanh vịnh Bái Tử Long. Quảng Ninh cần đẩy mạnh thu hút đầu tư - công tư. Có như vậy thì phát huy được hết giá trị, tiềm năng của Bái Tử Long, một vẻ đẹp khác biệt chưa được khai hết.”

Việc đưa các hành trình tham quan vịnh Bái Tử Long vào hoạt động là tiền đề quan trọng, mở ra nhiều cơ hội cho Bái Tử Long trong hành trình quảng bá điểm đến với du khách trong và ngoài nước. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng địa phương cần xác định rõ vai trò của du lịch Bái Tử Long trong tổng thể phát triển vùng Đông Bắc, từ đó ưu tiên bố trí nguồn lực và chính sách thuận lợi để hỗ trợ địa phương bứt phá:
“Muốn ra Cô Tô, muốn ra các đảo của Vân Đồn, muốn lên các điểm trải nghiệm thì phải có luồng, tuyến thủy nội địa, luồng tuyến quốc tế rồi có phao neo, có cảng, bến có boong tông và có tất cả các cái điều kiện an toàn tuyệt đối cho du khách. Nội dung này giao cho huyện Vân Đồn, đề nghị là sẽ rà soát và đề xuất cụ thể những nội dung nào đầu tư nguồn ngân sách thì nhà nước phải đầu tư; Nội dung nào mà có thể kêu gọi, hỗ trợ từ các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp sẽ làm, đề nghị trước ngày 20/4 để kịp thời đưa vào đầu tư công trung hạn của năm 2026.”

Để du lịch vịnh Bái Tử Long khởi sắc, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cần sự đồng lòng, hành động quyết liệt để đầu tư bài bản hệ thống cảng bến, tiếp tục cấp phép cho những điểm đến và quảng bá thương hiệu mạnh mẽ để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, gắn với giá trị sinh thái – văn hóa địa phương nhằm đưa Bái Tử Long trở thành điểm đến xanh, bền vững trong tương lai./.
Vũ Miền/VOV Đông Bắc
Bình luận