Hiện toàn huyện Khánh Sơn có hơn 3.000 ha sầu riêng, trong đó Tây Khánh Sơn chiếm khoảng 1.200 ha. Diện tích đang cho thu hoạch khoảng 70%, năng suất khoảng 10 tấn/héc ta. Tuy chưa lớn, song đây là cơ sở để vùng miền núi định hình vùng cây ăn quả chủ lực, gắn với thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp từ Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long đã tìm đến Khánh Sơn vì nhận thấy tiềm năng lớn của vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, việc thiết lập chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ vẫn còn hạn chế do canh tác nhỏ lẻ, thiếu tổ chức đầu mối và chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng bộ. Đại diện một doanh nghiệp từng liên kết tại đây cho biết, chất lượng sầu riêng Khánh Sơn nhìn chung tốt nhưng đầu ra chưa ổn định vì liên kết chưa bền vững. Trong khi đó, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi, nhiều hộ chưa kiểm soát, chưa thực hiện theo khuyến cáo là những nguy cơ gây ảnh hưởng thương hiệu, uy tín của sầu riêng.

Theo lãnh đạo các địa phương, việc sản xuất manh mún, hạ tầng giao thông còn yếu cũng là rào cản lớn trong xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh. Địa hình miền núi Khánh Hòa chủ yếu là đồi dốc, đường sá quanh co, thiếu liên thông, xe tải lớn khó tiếp cận, chi phí vận chuyển tăng cao khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư lâu dài. Tây Khánh Sơn không chỉ có tiềm năng cây ăn quả mà còn thích hợp phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch. Nếu được đầu tư hạ tầng đồng bộ, nơi đây có thể trở thành vùng động lực của nông nghiệp miền núi tỉnh Khánh Hòa.
Bình luận