Tại Nghị quyết 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân đã đặt ra mục tiêu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên mục tiêu này vẫn chưa đạt được khi đến nay nước ta mới có gần 1 triệu doanh nghiệp. Mặc dù, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cải cách trong đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn còn gặp phiền hà, thủ tục lòng vòng kéo dài thời gian gây khó khăn, bất cập. Nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như hệ thống pháp luật còn chồng chéo, môi trường kinh doanh còn nhiều cản trở, thủ tục hành chính phức tạp… Nêu thực tế trong lĩnh vực hoạt động, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp vẫn phải làm thủ tục phải đi qua nhiều bộ ngành:
Hiện nay đầu tư dự án bất động sản, hiện chu trình sẽ như thế này: 1 văn bản trình lên Ủy ban, sau đó Ủy ban có văn bản do Văn phòng phát cho ra 5 sở, huyện mà có đất đó. Theo đó, một con dấu cấp chứng nhận đầu tư thì sẽ qua 6 con dấu, 6 con dấu đó doanh nghiệp còn bị hỏi đi hỏi lại, rồi chưa kể những thủ tục về phòng cháy, chống cháy; môi trường... Chúng tôi cho rằng tại sao không đơn giản chỉ một con dấu, tức là chỉ một Ủy ban triệu tập họp sau đó quyết định luôn?.
Cũng gặp khó khăn trong hoạt động về đầu tư, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội nêu thực tế về những vướng mắc trong việc thuê mặt bằng để sản xuất, khi giá thuê đất tại các khu công nghiệp còn khá cao, không phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp.
Bình luận