NATO tăng ngân sách quốc phòng: Một mũi tên, nhiều mục đích”
VOV1 -      Trong tuần, việc NATO nhất trí tăng tổng chi tiêu quốc phòng lên tới 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2035, được cho là mang tính lịch sử đồng thời định hình lại chiến lược quốc phòng của NATO trong những thập kỷ tới. 

       Trước hết, việc các nhà lãnh đạo NATO cam kết nâng tổng chi tiêu quốc phòng lên tới 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2035 đã cho thấy sự thay đổi nhanh chóng về nhận thức của NATO trong các đánh giá an ninh toàn cầu. Nếu như trước đây, NATO chỉ dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng, thì nay các nhà lãnh đạo NATO đã nhấn mạnh rằng những khoản đầu tư này là cần thiết để đối phó với "các mối đe dọa an ninh sâu sắc" và dành gần như 100% sự đồng thuận cho mục tiêu này.

      Từ trước đến nay, tăng ngân sách quốc phòng luôn là chủ đề “nhạy cảm” gây tranh cãi đối với NATO. Bởi việc nâng trần chi tiêu lên 5% được nhiều nước thành viên, đặc biệt là các quốc gia Tây Âu, xem là vượt quá sức chịu đựng về năng lực chính trị và tài chính. Tuy nhiên, những bất ổn an ninh gần đây sau các cuộc xung đột Nga-Ukraine và Israel-Iran; các cuộc tấn công mạng, chiến tranh công nghệ cao hay chiến tranh phi đối xứng …đã buộc NATO phải có cách nhìn nhận khác.

Một nguyên nhân nữa, đó là Điều 5 của Hiệp ước NATO. Theo đó, Điều khoản này quy định rằng nếu một quốc gia NATO bị tấn công vũ trang, các thành viên khác của Liên minh sẽ vận dụng Điều 5 để tấn công đáp trả. Tuy nhiên, năng lực quốc phòng của các nước EU- nòng cốt của NATO hiện nay được cho là quá yếu, ít có năng lực đảm bảo năng lực tự phòng vệ. Tất nhiên, NATO nhận thấy điểm yếu này và không thể không khắc phục.

        Sự “hối thúc” của Mỹ cũng là một nguyên nhân khác. Dưới thời nhà lãnh đạo Mỹ ông Donald Trump, chính phủ Mỹ luôn đề cao chính sách “Nước Mỹ trước tiên” và rút dần khỏi vai trò “người bảo hộ của thế giới””. Chính vì thế, ông Trump liên tục gây sức ép yêu cầu các thành viên NATO phải phân bổ hàng năm ít nhất là 5% GDP dành cho chi tiêu quốc phòng- chia sẻ gánh nặng - để đổi lại sự tin tưởng và hỗ trợ từ phía Mỹ. Nếu các nước đồng minh nói “không” hoặc không cam kết thực hiện mục tiêu này, nhà lãnh đạo Mỹ đe dọa sẽ rút khỏi NATO. Tất nhiên, trong bối cảnh châu Âu vẫn đang phụ thuộc vào Mỹ về quân sự, việc mất đi sự hậu thuẫn từ cường quốc số 1 thế giới sẽ khiến NATO mất phương hướng và trên hết là « bất an ». Đây là nguyên nhân khiến phần lớn các nước đồng minh phương Tây chấp nhận nâng mức chi tiêu và ký vào bản cam kết tăng ngân sách quốc phòng lên 5% trong những năm tới.

      Xét trên các phương diện, việc tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng đối với NATO sẽ có lợi hơn là có hại. Thứ nhất, sự điều chỉnh này sẽ giúp củng cố năng lực tự chủ quốc phòng của cả khối và thứ 2, giúp NATO “làm lành” nhanh chóng với đồng minh Mỹ. Tất nhiên, không phải tất cả các thành viên NATO đều đồng ý hoàn toàn với sự điều chỉnh này. Nhưng suy cho cùng, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay, NATO đã không còn sự lựa chọn nào khác./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận