Lãng phí gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng về vật chất, niềm tin, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí, đặc biệt là lãng phí nguồn lực đất đai đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.
Các chuyên gia cho rằng, việc thu hồi triệt để các dự án "treo" không chỉ là một trong những trụ cột trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mà còn là chìa khóa để tái cấu trúc không gian phát triển, giải phóng nguồn lực, tạo dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi một hệ thống giải pháp quyết liệt, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và địa phương với tinh thần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, minh bạch trong xử lý và đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù Luật Đất đai 2024 đã siết chặt thời hạn đưa đất vào sử dụng nhưng việc thực thi vẫn thiếu quyết liệt, thẩm quyền xử phạt chưa được phân cấp rõ ràng, còn tâm lý né tránh trong xử lý vi phạm... Chính vì vậy chính sách đánh thuế đất hoang, thuế sở hữu bất động sản thứ hai, thuế chuyển nhượng... là những biện pháp quan trọng để chống đầu cơ, chấm dứt lãng phí đất đai.
Bình luận