# Thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh đích đến là phải tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc tổ chức lại phải làm cho bộ máy mới tốt hơn hiệu quả hơn. Để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, qua rà soát hiện còn vướng khoảng hơn 5.000 Luật và văn bản dưới Luật, trong đó có hơn 200 luật cần phải sửa đổi, bổ sung. Theo Chủ tịch nước, trong kỳ họp bất thường lần thứ 9 tập trung sửa đổi 4 luật và 5 nghị quyết liên quan đến tổ chức để triển khai Nghị quyết 18; nhấn mạnh việc cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Thảo luận tại tổ, các ý kiến cũng đề nghị tiếp tục kế thừa Luật hiện hành, bổ sung quy định về trách nhiệm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc triển khai Chương trình lập pháp; bổ sung quy định đối với dự án do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình thì Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời hoặc phân công một cơ quan của Quốc hội chủ trì thẩm tra. Đề nghị quy định gọn hơn quy trình soạn thảo đối với dự án đã thực hiện quy trình xây dựng chính sách để tránh trùng lặp về quy trình, thủ tục, góp phần đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng văn bản. Quy định trách nhiệm “đến cùng” của cơ quan trình dự án, trách nhiệm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với việc xem xét, cho ý kiến, Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với dự thảo luật, nghị quyết.
Góp ý vào Dự thảo Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh nhấn mạnh việc phân định rõ cơ quan xây dựng chính sách và quy trình; đồng thời cho rằng, quy trình làm sao phải nhanh, quyết sớm, phải quý trọng thời gian, trí tuệ cá nhân và tập thể.
Theo Thủ tướng, cơ quan thẩm định và báo cáo trước Quốc hội phải là Ủy ban Thường vụ Quốc hội chứ không phải một Ủy ban. Thủ tướng lấy ví dụ, trình báo cáo về kinh tế - xã hội, bao gồm kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. "Chỉ riêng, Ủy ban kinh tế làm sao có đủ thẩm quyền, đủ kiến thức, đủ người làm hết các lĩnh vực này. Nên Ủy ban thường vụ Quốc hội phải thẩm định báo cáo của Chính phủ và khi trình ra Quốc hội cũng như Chính phủ, tức Bộ trưởng được thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ để trình Quốc hội. Vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng thế, Chủ nhiệm Ủy ban được thừa ủy quyền của Chủ tịch Quốc hội thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội chứ không phải là Ủy ban".

Cho ý kiến tại tổ về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lấy ví dụ, trong diễn biến liên tục của kinh tế - xã hội, việc điều hành điều hành của Chính phủ đã phát sinh những vướng mắc do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế này đã đặt ra cần phải sửa đổi luật hiện hành. Việc sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là trụ cột cho việc xây dựng các luật mới, cũng như sửa đổi, bổ sung các luật bảo đảm đúng thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội đã đưa ra 5 vấn đề chính trong sửa luật, trong đó hướng tới tăng cường vai trò cơ quan trình trong việc chịu trách nhiệm đến cùng, đặc biệt là trách nhiệm của những bộ trưởng, trưởng ngành. Cùng với đó là tách quy trình chính sách ra khỏi quy trình lập, dự kiến chương trình lập pháp, phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo, hoàn thiện cơ chế một luật sửa nhiều luật.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội nhất trí bổ sung Nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của cấp thẩm quyền, nhưng yêu cầu đặt ra cần rà soát kỹ lưỡng quy định nội dung ban hành Nghị quyết của Chính phủ, tại Khoản 2, Điều 4, tránh trùng lặp với nội dung khi ban hành Nghị định.
Quốc hội đồng tình định hướng đổi mới quy trình lập pháp theo hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ xem xét, thông qua trong một kỳ họp, nhưng chỉ quy định theo hướng là tại kỳ họp sẽ thảo luận các ý kiến còn khác nhau.
Điều lưu ý cuối cùng là luật phải đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các dự án luật khác cùng được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần này như các Luật: dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn Đắk Lắk cho rằng, Luật quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện tham gia góp ý về chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Liên đoàn thương mại công nghiệp Việt Nam tham gia góp ý chính sách dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Nhưng tại địa phương có thể tham khảo, tham chiếu của nhiều tổ chức mang tính tương đồng với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức này. Đại biểu lấy ví dụ như Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội doanh nhân trẻ thì cũng là những cơ quan có thể là tham chiếu tham vấn được nhiều nội dung. Quy định như thế này sẽ bó hẹp cho quá trình lấy ý kiến.
Cũng liên quan đến tham vấn chính sách, đại biểu Nguyễn Thị Yến, đoàn Bà Rịa Vũng Tàu cho rằng, tham vấn chính sách là một vấn đề quan trọng. Trong hướng dẫn thì ai sẽ tham vấn chính sách? Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham vấn chính sách không? hay là có một tổ chức, các tổ chức nào đó tham gia tham vấn chính sách thì sẽ đảm bảo mang tính rộng rãi, tầm chiến lược, mang tính liên quan đến các điều ước quốc tế và liên quan đến khoa học và thực tiễn.
Đại biểu Lê Tiến Châu, đoàn Hải Phòng đề nghị, tăng cường các hoạt động phản biện xã hội để làm sao chất lượng của các dự án luật được tăng lên. Nhưng vấn đề ở chỗ là chất lượng phản biện hiện nay như thế nào? cũng phải nghiên cứu các giải pháp để củng cố. Khi phản biện rồi tiếp thu như thế nào, có gửi đến các cơ quan soạn thảo nhưng cơ quan soạn thảo tiếp thu đến đâu? Nếu tăng cường phản biện thì phải có cơ chế. Một là nâng cao chất lượng của hoạt động phản biện. Thứ hai nữa là cơ chế tiếp thu, giải trình như thế nào thì mới đáp ứng được yêu cầu./.
Bình luận