Theo kế hoạch này, trong giai đoạn đầu tiên, một khoản đầu tư lên tới 1.514 tỷ Yên (tương đương trên 10 tỷ USD) sẽ được chi để phục hưng và phát triển công nghiệp bán dẫn và các ngành sản xuất có liên quan. Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, việc hợp tác với nước ngoài là yếu tố không thể thiếu. Theo đó, kế hoạch này sẽ đem lại cơ hội lớn cho các nước, nhất là các nước có quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, trong đó có Việt Nam, và Việt Nam đang được coi là đối tác tiềm năng nhất, theo đánh giá của các chuyên gia, chính trị gia và giới chức Nhật Bản. Về điều này, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN, tiến sỹ Tanimoto Jun – Phó chủ tịch điều hành Đại học Kyushyu Nhật Bản nói: “Công nghiệp bán dẫn đang ngày càng trở nên quan trọng và mang tầm chiến lược. Hiện nay, Nhật Bản đang đẩy mạnh nghiên cứu – phát triển trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Nhật Bản không thể đơn độc đạt được mục tiêu, và Việt Nam có tiềm năng to lớn về phát triển công nghiệp bán dẫn. Do đó, Việt Nam trở thành đối tác quan trọng của Nhật Bản trong công nghiệp bán dẫn”
Giới chính trị Nhật Bản cũng có chung nhận định với giới khoa học về tiềm năng, vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực chất bán dẫn. Theo nhà lập pháp Nhật Bản - Tiến sỹ, Hạ nghị sỹ Soramoto Seiki, Nhật Bản đang ở trong quá trình phát triển các sản phẩm bán dẫn thế hệ mới. Đây là cơ hội để Nhật Bản và Việt Nam bắt tay hợp tác cùng nghiên cứu phát triển kỹ thuật mới, cũng như trao đổi, chuyển giao các công nghệ liên quan mà mỗi bên đang có cho nhau, nhằm bổ trợ những thiếu hụt của mỗi bên. “Sự giao lưu, phối hợp đó, nhằm cùng nhau, không chỉ thiết kế, chế tạo các sản phẩm bán dẫn, mà còn góp phần khai thác triệt để tính năng của chất bán dẫn, bổ trợ cho nhau trong cả khâu đảm bảo và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này”
![Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước của Nhật Bản đã triển khai xây dựng các cơ sở sản xuất chất bán dẫn quy mô lớn (ảnh: Jiji Press)](/sites/default/files/2025-02/nhieu_doanh_nghiep_trong_va_ngoai_nuoc_cua_nhat_ban_da_trien_khai_xay_dung_cac_co_so_san_xuat_chat_ban_dan_quy_mo_lon_anh_jiji_press_20250211141542.jpg)
Giới chức Nhật Bản cũng đang đặt Việt Nam vào “tầm ngắm” trong quá trình lựa chọn đối tác phát triển công nghiệp bán dẫn trong cả trung và dài hạn. Về điều này, ông Hoshino Mitsuaki – Cục trưởng Cục kinh tế - thương mại - công nghiệp khu vực Kyushyu thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản nêu ý kiến. “Hiện nay, Việt Nam có một nguồn nhân lực dồi dào, đã qua đào tạo, nhất là đội ngũ kỹ sư có trình độ cao, có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của công việc. Nhìn từ góc độ này, có thể nói, hai nước đủ khả năng để bổ khuyết cho nhau. Theo tôi, hai nước cần bắt đầu đẩy mạnh quá trình hợp tác từ việc hợp tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của mỗi bên”
Theo kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản, ngoài khoản đầu tư tương đương 10 tỷ USD tại giai đoạn 1 nêu trên, trong 10 năm tới, sẽ có thêm 50.000 tỷ Yên (tương đương khoảng 333 tỷ USD) được rót vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, và khoản đầu tư này sẽ được lồng ghép với quá trình phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), cùng việc tăng cường năng lực cho các địa phương của nước này. Theo tính toán sơ bộ, đến năm 2030, khoản đầu tư này sẽ mang lại cho nền kinh tế Nhật Bản 160.000 tỷ Yên (tương đương khoảng 1.066 tỷ USD), và đây được coi là tác nhân quan trọng, góp phần đưa công nghiệp bán dẫn của Việt Nam và Nhật Bản cất cánh trong một tương lai rất gần../.)
Thường trú Nhật Bản
Bình luận