Theo Viện Quản lý Rủi ro Sức khỏe Quốc gia Nhật Bản, số ca tử vong cao nhất tại nước này do ho gà là vào năm 2020, chỉ với hai ca tử vong. Tuy nhiên, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Nhật Bản đã ghi nhận ít nhất 4 trẻ sơ sinh tử vong do ho gà.
Toàn bộ 4 trường hợp này đều là trẻ sơ sinh ở độ tuổi từ 1 - 4 tháng, tại các tỉnh Tokyo, Hyogo, Aichi và Gunma, và hai trong số các trẻ này vẫn chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà thường xuyên. Trong quá trình điều trị bệnh, các nạn nhân ở trong tình trạng viêm phổi nặng và dẫn đến suy hô hấp, tăng áp phổi và suy thận. Các bác sĩ đã dùng Kỹ thuật oxy hóa máu màng ngoài cơ thể (ECMO) và chạy thận nhân tạo, cùng với các phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên, các bé không qua khỏi.
Tại Bệnh viện Nhi Tokyo ở Fuchu - nơi ghi nhận một bé gái 1 tháng tuổi tử vong do mắc ho gà. Ban đầu, bé nhập viện tại một cơ sở y tế khác và dùng thuốc kháng khuẩn để điều trị các vấn đề về hô hấp. Sau đó, bé bị suy hô hấp và chuyển đến bệnh viện nhi. Trước khi mắc bạo bệnh, bé gái này không có vấn đề gì về sức khỏe, nhưng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà.
Trong khi đó tại Trung tâm Y tế Nhi đồng tỉnh Gunma - nơi ghi nhận một bé 2 tháng tuổi tử vong, trong những năm gần đây, nơi này không có trường hợp bệnh nhân nào phải nhập viện vì ho gà. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm này đã đón nhận ba trẻ phải nhập viện.
Ông Shimizu Akihiko - Trưởng Khoa bệnh truyền nhiễm, đã bày tỏ cảm giác khủng hoảng khi cho biết số người nhiễm bệnh đang ngày càng có chiều hướng tăng lên, trong khi số trẻ em bị nhiễm bệnh nghiêm trọng cũng gia tăng nhiều hơn, nhất là đối với những trẻ chưa tiêm vắc-xin diễn tiến bệnh nhanh hơn và có nhiều nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng hơn. Theo ông Shimizu, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời vì các bé chưa có khả năng miễn dịch với bệnh ho gà. Nếu mắc ho gà, dễ bị chuyển nhanh sang biến chứng nặng như bệnh não, co giật và viêm phổi. Đồng thời dễ tử vong do co giật, ngừng thở đột ngột.

Ông Shimizu - nhấn mạnh: “Để ngăn ngừa bệnh có thể trở nên nghiêm trọng, điều quan trọng là các bậc phụ huynh phải đưa trẻ đi tiêm vắc-xin thường xuyên ngay khi trẻ được hai tháng tuổi. Ngoài ra, vì một số trường hợp nhiễm bệnh được xác định là do bị lây nhiễm từ các thành viên khác trong gia đình sang trẻ sơ sinh chưa có miễn dịch. Vì vậy, nếu bạn có các triệu chứng như ho, sốt nhẹ…, xin vui lòng thực hiện các biện pháp kiểm soát lây nhiễm, như tránh tiếp xúc với trẻ sơ sinh và đeo khẩu trang”.
Theo thống kê của Viện An ninh Y tế Nhật Bản, từ đầu năm 2025 cho đến ngày 11/05 vừa qua, trên tất cả các tỉnh thành của nước này đã ghi nhận tới 31.966 bệnh nhân mắc ho gà, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước và vượt qua con số ca mắc trung bình hằng năm ở mức kỷ lục vào năm 2019 (có 16.850 ca). Một trong những nguyên nhân gia tăng số ca mắc ho gà là do sự xuất hiện của vi khuẩn kháng thuốc, khiến quá trình điều trị bằng các biện pháp thông thường trở nên khó khăn hơn.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 30 - 50 triệu người mắc bệnh ho gà, và có đến 300.000 người tử vong. Trong đó phần lớn các trường hợp tử vong đều là trẻ nhỏ, đặc biệt là ở trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi. Đây là loại bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp và xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường có các triệu chứng xuất hiện đầu tiên sau thời gian ủ bệnh từ 7 - 10 ngày, như sốt nhẹ và sổ mũi, sau đó ho khan và có tiếng rít khi thở./.
Tuấn Nhật / VOV Nhật Bản
Bình luận