Nguy cơ “siêu động đất”: Nhật Bản đang chuẩn bị ra sao?
VOV1 - Trong nhiều tháng qua, một chủ đề đang thu hút sự quan tâm không chỉ tại Nhật Bản mà cả trong khu vực là nỗi lo về một cơn “siêu địa chấn”. Dù giới khoa học không thể dự đoán chính xác thời điểm, nhưng Chính phủ Nhật vẫn cảnh báo có tới 80% xác suất trận “siêu địa chấn” tại rãnh Nankai

Tâm thế vững vàng

Chuỗi động đất liên hoàn trong hơn nửa tháng qua tại quần đảo Tokara - miền Nam Nhật Bản, đã tạo ra bầu không khí lo lắng bao trùm. Nhưng do là đất nước thường xuyên xảy ra động đất, nên người Nhật luôn có một tâm thế rất vững vàng. Điều này đã được thực tế chứng minh qua nhiều lần xảy ra thảm họa, ví dụ như trận động đất – sóng thần miền Đông Nhật Bản ngày 11/3/2011, hay gần đây nhất là động đất trên bán đảo Noto đúng hôm 1/1/2024… Họ có thể rất sợ hãi nhưng không hề hoảng loạn. Không có hiện tượng giẫm đạp, tranh cướp, mà rất nhường nhịn, đặc biệt là dành ưu tiên cho người già và trẻ nhỏ.

Chính vì vậy, suốt mấy tháng qua, với mốc thời điểm cuối tháng 3, khi Nhật Bản công bố báo cáo nghiên cứu - dự báo thảm họa động đất ở Rãnh Nankai với nhận định trong 30 năm tới siêu động đất sẽ xảy ra với xác xuất lên tới 80%, có nghĩa là có thể ngay hôm nay, hoặc ngày mai, hầu như chắc chắn sẽ có siêu thảm họa, nhưng xã hội Nhật Bản vẫn giữ được nhịp sống bình thường, không mấy xáo trộn. Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, người dân lặng lẽ chuẩn bị chờ đón thảm họa với các bước như gia cố nhà cửa, tích trữ thêm nhu yếu phẩm, duy trì các thiết bị thông tin liên lạc trong tình trạng tốt nhất, chuẩn bị các dụng cụ cần thiết bao gồm cuốc, xẻng... để phòng khi cần thiết. Và nếu ai có điều kiện thì di chuyển ra khỏi khu vực bị cảnh báo nguy hiểm.

Ngay như hiện nay, khi tại khu vực quần đảo Tokara, trong suốt hơn nửa tháng qua, đã và đang xảy ra chuỗi động đất liên hoàn chưa từng có tiền lệ với hơn 1.500 chấn động được ghi nhận, trong đó có các những trận lên tới gần 6 độ, nhưng 667 cư dân của quần đảo này, mặc dù rất lo sợ nhưng vẫn kiên cường chống chịu, bất chấp những đồn đoán. Bên cạnh đó, các hoạt động vui chơi, giải trí vẫn diễn ra đúng dự định. Đặc biệt, nhiều bãi biển vẫn mở cửa đón khách mùa hè. Việc vẫn có đông người đi tắm biển, tưởng chừng rất bình thường, nhưng tại Nhật Bản hiện nay lại khác, bởi vì các bãi biển sẽ là nơi nguy hiểm nhất nếu có sóng thần.

Khi trả lời câu hỏi nhuốm màu lo ngại về động đất, nhiều người Nhật cười vào bảo “thiên tai là thứ bất khả kháng, khi đã xảy ra thì phải chịu”, hoặc “trời kêu ai, người nấy dạ!”... Tuy nhiên, đây không phải là thái độ chủ quan, phó mặc cho số phận, “xứ sở hoa Anh Đào” vẫn đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho một kịch bản tồi tệ nhất.

Chuẩn bị toàn diện

Việc dự đoán thời điểm xảy ra động đất là điều không thể về mặt khoa học. Nhưng ở một đất nước luôn chứng kiến sự rung chuyển mặt đất, thì sự chuẩn bị là điều chắc chắn phải làm. Chính phủ Nhật Bản đã lập Kế hoạch cơ bản phòng chống thiên tai quốc gia nhằm ứng phó với “siêu địa chấn” và các thảm họa tự nhiên khác như bão lụt, sạt lở đất đá, nắng nóng gay gắt... từ năm 2014, và vào hôm 1/7 vừa qua, đã sửa đổi kế hoạch này.

Động thái này cũng cho thấy khả năng xảy ra “siêu thảm họa” ngày càng tăng cao. Bởi vì, đây là lần đầu tiên sau 11 năm Nhật Bản sửa đổi, bổ sung kế hoạch nêu trên. Trong đó, đặt mục tiêu trong vòng 10 năm tới sẽ có các biện pháp cần và đủ để giảm 80% thiệt hại về người do siêu động đất ở Rãnh Nankai gây ra. Đây là mục tiêu trọng tâm của kế hoạch này, và để thực hiện, Nhật Bản đã bắt đầu triển khai đồng loạt nhiều chương trình hành động cụ thể, tập trung vào 4 nhóm lĩnh vực chính.

Thứ nhất là ứng dụng khoa học – kỹ thuật hiện đại để cảnh báo sớm thiên tai. Đây được coi là yếu tố tiên quyết. Do đó, Nhật Bản luôn không ngừng nâng cao năng lực dự báo bằng cách nâng cấp và nâng cao số lượng các vệ tinh quan trắc khí tượng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), điều khiển học... Thứ hai là tăng cường giáo dục giúp người dân nâng cao ý thức phòng chống thiên tai và kỹ năng tự bảo vệ trước thảm họa. Đây được coi là nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền các cấp và nghĩa vụ của mọi công dân để vừa tự bảo vệ mình, vừa hỗ trợ người xung quanh thoát khỏi hiểm cảnh. Từ trước đến nay, các lớp tập huấn phòng chống thiên tai được tổ chức thường xuyên tại các khu dân cư, và gần đây tần suất được tăng dày hơn, song song với các chương trình được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải.

Thứ 3 là gia cố để nâng cao khả năng chịu chấn động và xói mòn của các công trình hạ tầng cơ bản như cầu cống, đường xá, đường sắt, hệ thống cấp thoát nước ngầm, nâng cao năng lực phòng chống hỏa hoạn... Đây là vấn đề mang tính then chốt và cấp bách, khi Nhật Bản có một hệ thống công trình ngầm rất lớn, nếu xảy ra siêu động đất và các công trình này không đủ sức chống chịu, thì hệ thống ngầm sẽ thành ngôi mộ tập thể cho hàng triệu người. Thứ tư là xây mới và nâng cấp các cơ sở lánh nạn tập trung, với mục tiêu rất giản dị như Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru nhấn mạnh là khi xảy ra thiên tai, có thể đảm bảo cung cấp cho người dân những bữa ăn nóng hổi, những nhà vệ sinh sạch sẽ, chăn ấm, đệm êm.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đã quyết định tăng gấp đôi ngân sách phòng chống thiên tai trong năm 2025 lên mức trên 14,6 tỷ Yên (tương đương khoảng 104 triệu USD). Giới chuyên môn nhận định, với nguồn lực và các biện pháp tổng thể này, chỉ trong một thời gian ngắn, Chính phủ Nhật Bản có thể đạt được mục tiêu “giảm 80% thiệt hại về người do thiên tai gây ra”, góp phần làm an lòng người dân Nhật Bản đang lo lắng trước nguy cơ xảy ra siêu động đất tại Rãnh Nankai. Đồng thời, cách thức phòng chống thiên tai của Nhật Bản có thể trở thành mô hình đáng tham khảo cho những nước đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó có Việt Nam./.

Tuấn Nhật/VOV Tokyo

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận