Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Nga (Điện Kremlin) Dmitry Peskov hôm qua đã lên tiếng chỉ trích phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, rằng liên minh tự nguyện gồm 30 nước sẽ sẵn sàng bắt đầu nhiệm vụ triển khai quân tại Ukraine ngay sau khi Nga và Ukraine đạt thỏa thuận ngừng bắn.
Ông Peskov nhấn mạnh, Nga coi sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Ukraine là hành vi không thể chấp nhận được. Thái độ cứng rắn của các nhà lãnh đạo châu Âu phản ánh bức tranh tổng quan về lập trường hiện nay - đó là mang tính quân sự, đối đầu và bài Nga. Nga thất vọng khi phương Tây không hiểu những tín hiệu mà Mát-xcơ-va đã gửi đi.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng liên minh tự nguyện sẽ tiến hành tuần tra không phận và vùng biển của Ukraine sau khi Nga và Ukraine đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Theo ông Macron, hành động này nhằm tạo điều kiện cho việc tái thiết lực lượng vũ trang Ukraine và đồng thời gửi một “tín hiệu chiến lược” tới Nga.
Về việc Mỹ gửi vũ khí cho Ukraine qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO và khối Liên minh quân sự sẽ trả toàn bộ chi phí, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, đây là một thương vụ kinh doanh của Mỹ, nhằm hạ thấp sự ủng hộ của Washington dành cho Ukraine. Ông Peskov cho biết, nước này cũng đang chờ xem tuyên bố quan trọng về Ukraine mà Tổng thống Mỹ dự kiến đưa ra vào ngày 14/7 tới là gì.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích những nước cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này chỉ làm kéo dài cuộc chiến, khiến thêm nhiều cơ sở hạ tầng dân sự bị phá hủy và nhiều dân thường thương vong hơn nữa.
Cuộc chiến Nga – Ukraine đã bước sang tháng thứ 41 với cường độ leo thang, trong khi các cuộc đàm phán vẫn chưa thể tạo sự đột phá. Trước bối cảnh đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế A-mi Pô-pê (Amy Pope) nhận định, mọi người đã quá mệt mỏi vì cuộc xung đột này:
“Đã ba năm rưỡi trôi qua kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Tôi nghĩ công bằng mà nói, mọi người đều mệt mỏi. Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến này ngay cả từ những người Ukraine, những người đã trải qua xung đột và thường phải di dời nhiều lần. Cần phải có hòa bình, bởi nếu không có hòa bình, sẽ không chỉ các yêu cầu tài trợ mà cả sự hỗ trợ dành cho người dân Ukraine cũng sẽ không thể ngừng lại”.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu trong thế kỷ này, với 5,6 triệu người tị nạn Ukraine trên toàn cầu và 3,8 triệu người phải rời bỏ quê hương./.
Đình Nam/VOV1
Bình luận