Động thái này đi ngược lại lập trường ban đầu của ông Donald Trump khi mới nhậm chức, vốn nhấn mạnh mục tiêu chấm dứt chiến tranh nhanh chóng và thúc đẩy đối thoại giữa các bên.
Trong phát biểu mới nhất ngày hôm qua, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã chấp thuận gửi vũ khí phòng thủ cho Ukraine và đang cân nhắc ủng hộ một dự luật tại Thượng viện nhằm áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mạnh mẽ với Nga. Ông đồng thời tuyên bố sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất của các nhà thầu quốc phòng Mỹ, nhằm đáp ứng nhu cầu vũ khí ngày càng tăng từ các đối tác quốc tế:
“ Tôi đang xem xét vấn đề này một cách rất nghiêm túc. Thượng viện đã thông qua các biện pháp trừng phạt cứng rắn và hiện việc quyết định có thực thi chúng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tôi. Đó là một dự luật mang tính tùy chọn, và việc giữ nguyên hay chấm dứt nó cũng nằm trong thẩm quyền của tôi. Tôi đang cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng tôi là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất thiết bị quân sự . Nếu so sánh với thiết bị từ các quốc gia khác, bạn sẽ thấy sự khác biệt là rất rõ ràng."
Sự điều chỉnh trong chính sách của Mỹ được đánh giá là phản ứng trực tiếp trước diễn biến leo thang trên chiến trường và bế tắc trong các nỗ lực hòa giải. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những tín hiệu trái chiều về triển vọng hòa bình, khi các bên liên quan vẫn cho thấy lập trường cứng rắn về cách thức chấm dứt xung đột tại Ukraine
Phía Nga đã nhanh chóng phản ứng với thái độ cứng rắn. Ngoại trưởng Sergey Lavrov một lần nữa yêu cầu phương Tây ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine, dỡ bỏ trừng phạt, hủy các vụ kiện pháp lý và trả lại tài sản bị tịch thu. Nga cũng tái khẳng định yêu cầu Ukraine cam kết trung lập, không gia nhập NATO và công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập. Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết:
“Hiện tại, các thông tin liên quan đến chi tiết cụ thể về các chuyến hàng quân sự của Mỹ tới Ukraine vẫn còn chưa thống nhất và cần thêm thời gian để xác minh rõ ràng. Có nhiều báo cáo trái chiều khiến bức tranh tổng thể trở nên khó định hình. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Mỹ, đặc biệt là cá nhân Tổng thống Donald Trump cùng đội ngũ của ông, trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine... Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng các lệnh trừng phạt hiện hành là không hợp pháp và không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Nga mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới Mỹ."
Đáng chú ý, cách tiếp cận mới của Mỹ được đưa ra chỉ vài ngày sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Donald Trump hôm 4/7. Cuộc trao đổi được Ukraine đánh giá là “hiệu quả nhất từ trước đến nay”, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác phòng không và sản xuất vũ khí chung.
Đặc phái viên Mỹ về Ukraine Keith Kellogg dự kiến ngày mai sẽ tới Rome (Italia) để tham dự Hội nghị viện trợ quốc tế lần thứ 4 cho Ukraine, trong bối cảnh quốc gia châu Âu đang gia tăng áp lực với Mỹ về việc cung cấp thêm hệ thống phòng không, đặc biệt là tên lửa đánh chặn Patriot. Tuần trước, Chính phủ Đức cũng thông báo đang đàm phán để mua thêm Patriot cho Ukraine sau khi một số chuyến hàng từ Mỹ bị tạm dừng.
Tuy nhiên, nội bộ phương Tây vẫn tồn tại sự chia rẽ nhất định về mức độ hỗ trợ và triển vọng hòa giải. Tổng thống Cộng hoà Séc Petr Pavel hôm qua cảnh báo, một cuộc chiến kéo dài nhiều năm là "không thể chấp nhận được" và kêu gọi sớm đạt được lệnh ngừng bắn, tiến tới thỏa thuận hòa bình. Ông cũng không loại trừ khả năng nối lại quan hệ giữa châu Âu và Nga sau khi xung đột kết thúc, nhưng nhấn mạnh điều này chỉ khả thi nếu đạt được một nền hòa bình bền vững trên cơ sở các điều kiện mới./.
Thu Hoài
Bình luận