Liên hợp quốc cảnh báo nạn lừa đảo trực tuyến lan rộng khắp thế giới
VOV1 - Liên hợp quốc hôm qua cảnh báo, các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đứng sau ngành công nghiệp lừa đảo trực tuyến trị giá hàng tỷ đôla tại châu Á đang mở rộng hoạt động lừa đảo trên toàn cầu bất chấp nỗ lực trấn áp của các quốc gia.

Trong nhiều năm, các hoạt động lừa đảo đã gia tăng, đặc biệt là ở các khu vực biên giới Campuchia, Lào, Myanmar và Philippines.

Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) mới đây công bố báo cáo có tựa đề “Điểm uốn cong: Những tác động toàn cầu của các trung tâm lừa đảo, ngân hàng ngầm và thị trường trực tuyến bất hợp pháp ở Đông Nam Á”. Báo cáo cho thấy, các tổ chức tội phạm châu Á tiếp tục mở rộng quy mô ra toàn cầu, hoạt động sâu hơn tại những khu vực xa xôi, những vùng có hệ thống pháp luật lỏng lẻo tại Châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và một số đảo thuộc Thái Bình Dương.

Các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay bao gồm: dụ dỗ đầu tư giả mạo, lừa đảo tình cảm qua mạng, tổ chức đánh bạc trực tuyến bất hợp pháp và các hoạt động rửa tiền. Ước tính có hàng trăm trung tâm lừa đảo hoạt động với quy mô công nghiệp, mang lại tổng lợi nhuận lên tới gần 40 tỷ đôla/năm. Chuyên gia Jake Sims tại Viện Hòa bình Mỹ có trụ sở tại Washington cho biết:

“Trong vài năm trở lại đây, hàng trăm nghìn người đã bị đưa đến các trung tâm lừa đảo xuyên quốc gia. Nhiều người trong số họ thông qua nhiều hình thức ép buộc, lừa dối và buôn người khác nhau để tham gia vào một ngành công nghiệp toàn cầu cực kỳ béo bở là tội phạm mạng có tổ chức. Ngành công nghiệp này đang phát triển và có khả năng sẽ tiếp tục phát triển trong một thời gian. Ngành công nghiệp này đang lừa đảo thế giới với số tiền lên tới hàng chục tỷ đô la mỗi năm."

Sự phát triển của các công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI), deepfake và các phần mềm độc hại khác cũng góp phần làm gia tăng tốc độ, quy mô và mức độ tinh vi của các hoạt động lừa đảo. Các nền tảng kỹ thuật số ngầm đang trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các hành vi phạm tội, trong đó nổi bật là mô hình “tội phạm như một dịch vụ” – nơi tội phạm có thể thuê ngoài toàn bộ quy trình thực hiện hành vi lừa đảo.

Theo ông Benedikt Hofmann, Đại diện khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm, sự hội tụ giữa tốc độ phát triển công nghệ và mức độ chuyên nghiệp hóa ngày càng cao của các tổ chức tội phạm, kết hợp với sự mở rộng hoạt động sang các khu vực mới, đang tạo ra một thách thức phức tạp cho chính phủ các quốc gia. Ông nhấn mạnh, để đối phó hiệu quả với mối đe dọa này, các quốc gia cần tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực điều tra kỹ thuật số, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về các thủ đoạn lừa đảo mới.

Thu Hoài/VOV1

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận