Indonesia tập trung du lịch - “lá chắn kinh tế trước bão thuế quan"
VOV1 - Khi làn sóng áp thuế từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ảnh hưởng lớn đến dòng chảy thương mại toàn cầu, nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu phải tìm cách chuyển hướng thị trường hoặc các giải pháp thay thế. Indonesia thay vì phụ thuộc vào hàng hóa, đã chọn hướng đi khác.

Du lịch – Lá chắn kinh tế

Giữa làn sóng thuế quan mới từ Mỹ, du lịch – ngành xuất khẩu dịch vụ được cho sẽ giúp các quốc gia vượt qua thách thức bảo hộ thương mại và duy trì sự ổn định kinh tế. Indonesia nằm trong số những quốc gia đặt ra nhiều mục tiêu cho ngành du lịch trong bối cảnh này. Thứ nhất, khi xuất khẩu hàng hóa phải chịu mức thuế quan cao, Indonesia cần tìm đến các ngành khác có thể giúp tạo sự cân bằng cho nền kinh tế.Ngành du lịch được phân loại là ngành dịch vụ và không bị ảnh hưởng bởi các mức thuế quan, đồng thời tiếp tục đóng góp vào nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Bằng cách thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài hơn, Indonesia có thể duy trì sự ổn định của đồng rupiah và dự trữ ngoại hối.

Thứ 2 liên quan đến áp lực lên tỷ giá hối đoái rupiah do căng thẳng kinh tế toàn cầu và chính sách thuế quan quốc tế có tác động trực tiếp đến ngành du lịch, đặc biệt là những người đi du lịch nước ngoài nhiều. Với việc đồng Rupiah giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 1998, điều này có thể kích cầu du lịch trong nước, trong khi khách du lịch quốc tế đến Indonesia cũng sẽ được hưởng lợi.  

Ngành du lịch Indonesia đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ đóng góp 4,6% vào GDP quốc gia, thu về từ 19 đến 22,1 tỉ USD từ du khách quốc tế và đón khoảng 14,6 đến 16 triệu lượt khách nước ngoài. Mặc dù có vai trò quan trọng trong việc ổn định nền kinh tế, đặc biệt trong làn sóng thuế quan hiện nay, nhưng Indonesia vẫn khẳng định cần có một giải pháp vững chắc dài hạn và bền vững để đảm bảo ngành du lịch không bị tác động bởi các yếu tố ngoài tầm kiểm soát như thiên tai, dịch bệnh hay bất ổn chính trị.

Công bố 3 chiến lược du lịch

Chính sách thuế quan sẽ làm tăng chi phí cho tất cả các khâu trong ngành du lịch lữ hành – từ hãng hàng không, khách sạn đến dịch vụ cho thuê xe – và giá cả tăng sẽ khiến nhu cầu giảm. Để giảm các tác động của các biện pháp,  ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo mức áp thuế đối ứng 32% với Indonesia, Bộ trưởng Du lịch Indonesia Widiyanti đã đưa ra 3 chiến lược để khẳng định giá trị của ngành du lịch đất nước trước cơn bão thuế:

Thứ nhất xác định du lịch là một “ Ngành xuất khẩu dịch vụ cân bằng”. Các tài sản thiên nhiên và văn hóa đa dạng của Indonesia mang lại tiềm năng du lịch to lớn cho đất nước. Tuy nhiên, lượng khách du lịch nước ngoài, hiện ở mức 13,9 triệu, vẫn chỉ tập trung ở một vài điểm đến như Bali... Các điểm du lịch khác cần chuẩn bị các nỗ lực tích hợp liên quan đến sự sẵn sàng của điểm đến, lực lượng lao động du lịch và quảng bá có mục tiêu, để khai thác động lực toàn cầu đang thay đổi.

Thứ hai là trao quyền cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như các nhà cung cấp dịch vụ du lịch địa phương. Indonesia xác định du lịch không chỉ là các điểm đến lớn mà phải bắt đầu ở cấp độ làng. Thông qua việc phát triển các làng du lịch và nền kinh tế địa phương dựa trên du lịch, Indonesia có thể phân bổ lợi ích kinh tế đồng đều hơn và giảm sự phụ thuộc vào hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi thuế quan.

Thứ 3 là Thúc đẩy du lịch chất lượng cao. Thay vì chỉ tập trung vào số lượng du khách, Bộ Du lịch Indonesia khuyến khích các trải nghiệm tạo ra mức chi tiêu cao hơn, nhấn mạnh các phân khúc như du lịch hàng hải, ẩm thực và chăm sóc sức khỏe- vốn là chìa khóa để thu hút du khách có giá trị cao.

Bộ Du lịch Indonesia lạc quan rằng những biện pháp này không chỉ đảm bảo ngành du lịch hỗ trợ nền kinh tế quốc gia trước những áp lực bên ngoài mà còn đưa Indonesia trở thành điểm đến du lịch hàng đầu quốc tế.

Vượt sóng thuế quan của Mỹ

Ngoài ngành du lịch được coi là “lá chắn kinh tế”, Indonesia vẫn đang đánh giá tác động của biện pháp thuế quan từ Mỹ, với việc lựa chọn đàm phán thay vì trả đũa thương mại. Theo đó, Indonesia sẽ ưu tiên giải pháp ngoại giao để tìm ra những biện pháp có lợi cho cả hai bên, trong đó có khả năng nhập khẩu nhiều hàng hóa của Mỹ hơn để giảm thặng dư thương mại. Ngoài ra, chính phủ cũng đang theo dõi tác động tiềm tàng đến một số ngành công nghiệp hướng đến xuất khẩu, thu hút nhiều lao động, hỗ trợ các ngành có khả năng bị ảnh hưởng như ngành may mặc và giày dép.

Tuy nhiên chính quyền Indonesia cũng nhận định “trong nguy có cơ”, với việc Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đưa ra 3 giải pháp để Indonesia có thể tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu:

Chính sách thứ nhất là mở rộng đối tác thương mại. Trong tuần đầu tiên sau khi nhậm chức, Tổng thống Prabowo đã đề xuất Indonesia gia nhập BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), một nhóm kinh tế chiếm 40 % thương mại toàn cầu. Bước đi này củng cố vị thế của Indonesia trong thương mại quốc tế. Indonesia cũng tiếp tục nỗ lực để trở thành thành viên thường trực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng như đàm phán một số hiệp định thương mại khác (bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia-Liên minh Châu Âu (IEU-CEPA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia-Liên minh Kinh tế Á-Âu (I-EAEU CEPA)).

Chính sách thứ hai là đẩy nhanh quá trình phát triển ngành công nghiệp hạ nguồn. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Indonesia thường được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô. Để tăng giá trị gia tăng, Tổng thống Indonesia đang ưu tiên chính sách phát triển ngành hạ nguồn công nghiệp. Với bước đi này, Indonesia có thể tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, cắt giảm sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, tạo ra việc làm mới và khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững dựa trên tài nguyên thiên nhiên.

Chính sách thứ 3, Indonesia đặt mục tiêu tăng cường sức mua của người dân thông qua các chương trình ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của người dân. Một trong những chương trình chủ chốt của Tổng thống Prabowo là chương trình Bữa ăn dinh dưỡng miễn phí, hướng đến 82 triệu người thụ hưởng vào cuối năm 2025.

Cùng với việc cải thiện khả năng cạnh tranh của các sản phẩm địa phương và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ( hướng đến châu Âu thay vì Mỹ hay Trung Quốc), các biện pháp của Indonesia được đánh giá sẽ giúp duy trì sự ổn định kinh tế quốc gia trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang thay đổi mạnh mẽ./.

 Phạm Hà/VOV Indonesia

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận