Chiến dịch trục xuất người nước ngoài cư trú bất hợp pháp đã được Iran triển khai mạnh từ năm 2023. Bộ Nội vụ Iran cho biết nước này không còn khả năng tiếp tục gánh các chi phí y tế, giáo dục và an sinh xã hội cho hàng triệu người nhập cư không giấy tờ, nhất là khi nền kinh tế chịu tác động nặng nề từ các lệnh trừng phạt quốc tế, lạm phát và khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Theo ước tính của chính phủ Iran, hiện còn khoảng 4-6 triệu người Afghanistan đang ở lại Iran, trong đó ít nhất 2,5 triệu người được xác định cư trú bất hợp pháp. Họ phần lớn làm các công việc lao động chân tay, xây dựng, bốc xếp, dịch vụ – những ngành nghề nặng nhọc, thu nhập thấp và điều kiện sống bấp bênh.
Số liệu từ Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho thấy, riêng tháng 6 vừa qua đã có hơn 230.000 người Afghanistan buộc phải rời Iran, nâng tổng số người hồi hương từ đầu năm lên hơn 690.000 người, trong đó phần lớn là bị trục xuất bắt buộc. Đặc biệt, trong thời gian xung đột Iran-Israel leo thang, con số trục xuất tăng đột biến, lên tới 30.000 người mỗi ngày, so với mức 2.000 trước đó.
Cuộc khủng hoảng di cư này làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về nhân đạo và an ninh khu vực. Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế đã kêu gọi Iran tạm hoãn thời điểm trục xuất, phối hợp với các cơ quan cứu trợ để đảm bảo người hồi hương có chỗ ở tạm thời, lương thực và dịch vụ y tế cơ bản. Tuy nhiên, tại Iran, một bộ phận người dân bày tỏ lo ngại rằng dòng người nhập cư không giấy tờ gây thêm gánh nặng kinh tế và có thể đe dọa an ninh, nhất là sau xung đột Iran-Israel.
Về phía Afghanistan, chính quyền Taliban đã đưa ra cam kết hỗ trợ lương thực, chỗ ở và y tế cho người hồi hương. Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo làn sóng hồi hương quá lớn có thể vượt quá khả năng tiếp cận của hạ tầng Afghanistan vốn đã mong manh, đẩy quốc gia này và khu vực Trung - Nam Á đối mặt bất ổn mới và nguy cơ tái bùng phát làn sóng di cư trái phép sang các nước lân cận./.
Lê Dũng/VOV Ấn Độ
Bình luận