Thứ năm, 15:56, 13/02/2025
Giá vàng thế giới tăng lên mức cao kỷ lục
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về việc áp thuế nhập khẩu với nhôm và thép vào Mỹ, giá vàng thế giới đã lập tức phản ứng và tăng lên mức cao kỷ lục là hơn 2.940 USD/ounce.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về việc áp thuế nhập khẩu với nhôm và thép vào Mỹ, giá vàng thế giới đã lập tức phản ứng và tăng lên mức cao kỷ lục là hơn 2.940 USD/ounce. Mức giá này phản ánh lo ngại của giới đầu tư về hậu quả của chính sách thuế mà Mỹ áp dụng đối với kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý, giới chuyên gia nhận định giá vàng dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng.

Ngay từ phiên đầu tuần, giá vàng đã tăng lên 2.905 USD/ounce trên sàn giao dịch London, lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 2.900 USD. Một ngày sau, giá vàng tiếp tục tăng lên mức kỷ lục mới 2.942 USD/ounce. Mặc dù trong phiên giao dịch hôm qua, giá vàng thế giới giảm nhẹ nhưng vẫn xoay quanh mức cao kỷ lục là từ 2920-2940 USD/ounce. Mức tăng này là rất đáng chú ý khi thời điểm này 1 năm trước, giá vàng chỉ là 2.000 USD/ounce, và đặc biệt, giá vàng thế giới tăng nhanh sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ - tăng 35% kể từ giữa tháng 12 năm ngoái. Ông Edward Boyd, chuyên gia phân tích kinh tế - tài chính của Mỹ cho biết: "Chúng ta chứng kiến giá vàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới vì trong thời điểm khó khăn hoặc khủng hoảng, mọi người sẽ mua vàng. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, giá vàng tăng gần 8%. Sự bất ổn về địa chính trị và kỳ vọng lạm phát gia tăng tiếp tục đẩy giá vàng lên mức kỷ lục."

Theo các chuyên gia, giá vàng thế giới tăng mạnh do lo ngại tác động tiềm tàng của sắc lệnh thuế mới của Mỹ, phản ánh lập trường bảo hộ của chính quyền Donald Trump và lo ngại về lạm phát tại Mỹ. Hiện nhiều nhà đầu tư vẫn coi vàng là công cụ phòng ngừa lạm phát hiệu quả, một công cụ đầu tư an toàn trong bối cảnh chính sách thương mại của Mỹ có nguy cơ gây ra bất ổn trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu tích trữ vàng tăng liên tục của các ngân hàng trung ướng cũng góp phần đẩy giá vàng lên cao. Các ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng của mình kể từ năm ngoái để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ của thế giới, đáng chú ý nhất là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc khi tăng dự trữ vàng tháng thứ 3 liên tiếp. Ông Brandon Thor, Giám đốc Điều hành công ty chuyên kinh doanh kim loại quý Thor Metals Group nhận định: "Nếu xem xét những yếu tố tạo nên sự biến động của giá vàng, tôi thấy mọi người có thể giữ vàng trong thời gian dài. Theo tôi, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm"

Trong lịch sử, vàng vẫn được xem là “nơi trú ẩn an toàn” cho giới đầu tư trong thời kỳ bất ổn. Không giống như tiền, có thể mất giá do lạm phát hoặc in tiền quá mức, vàng có xu hướng giữ nguyên giá trị theo thời gian vì đây là nguồn tài nguyên khan hiếm, và điều này đã được chứng minh trong những giai đoạn kinh tế thế giới biến động nhất. Ví dụ đầu năm 2008, khi cuộc khủng hoảng nhà ở tại Mỹ nổ ra, giá vàng lần đầu tiên vượt quá 1.000 USD/ounce sau đó tiếp tục tăng mạnh và đặt mức 1.900 USD vào tháng 9/2011 – tức là gần gấp đôi. Gần đây hơn, cuộc xung đột giữa Nga vào Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022 cũng đã tạo ra sự bất ổn trên thị trường toàn cầu, và chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, giá vàng cũng tăng gần 10%. Vì thế, với những yếu tố tác động như hiện tại, các chuyên gia nhận định đà tăng của giá vàng vẫn chưa dừng lại và có thể sớm chinh phục mốc quan trọng về mặt tâm lý là 3.000 USD/ounce.

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận