Đức hỗ trợ các công ty khởi nghiệp của Việt Nam trong việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn đổi mới
VOV1 - Hiện nay, các công ty khởi nghiệp bền vững đang đóng vai trò tiên phong trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn đổi mới ở Việt Nam. Đức coi Việt Nam là đối tác quan trọng và sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Mới đây, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo lần thứ 5 khuôn khổ Đối thoại Khí hậu Hà Nội với chủ đề: "Tiên phong thay đổi: Các công ty khởi nghiệp - nhân tố thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam".

Tại hội thảo, các đại biểu cho biết việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam được nhìn nhận là một hướng đi quan trọng và không thể đảo ngược. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn (CE) và việc Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về nền kinh tế tuần hoàn là một minh chứng rõ ràng cho những hành động này. Trong đó, các công ty khởi nghiệp bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp và đẩy nhanh các giải pháp sáng tạo cũng như các mô hình kinh doanh phù hợp với việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Để tạo "lực" cho doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, thì việc tạo thêm các cơ chế sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào mô hình này. Từ đó, góp phần giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Ông Simon Kreye, Phó Đại sứ, Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết, hiện nay Đức đang hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam về chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra nước này cũng đang cung cấp các gói đào tạo về kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững trong khu vực ASEAN, không chỉ giới hạn tại Việt Nam.

Ông Simon Kreye cũng cho biết thêm, Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn:“Đức cũng rất mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm cũng như là những chuyên môn của chúng tôi trong việc số hóa hệ thống nền kinh tế tuần hoàn và chúng tôi coi Việt Nam như một đối tác quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Chúng tôi cũng rất vui khi được tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp và Chính phủ Việt Nam trong việc hiện thực hóa hoàn toàn những tiềm năng của kinh tế tuần hoàn. Việc hướng tới 1 nền kinh tế tuần hoàn là một nền kinh tế chung và chúng ta cần hợp tác với nhau để hướng tới các mục tiêu chung này”./.

Xem trên các nền tảng khác