Trong 50 năm hợp tác giữa Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và chính phủ Việt Nam, đã có nhiều dự án về phát triển nông nghiệp nông thôn được triển khai. Nhiều trong số đó đã mang lại kết quả nổi trội, có ý nghĩa và tác động to lớn cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Hiện nay nhiều tỉnh, thành phố đặt mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững nên việc nâng cao năng lực cho đối tượng tham gia chuỗi sản xuất là điều cần thiết. Trong bối cảnh đó, dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc của Việt Nam” với sự hỗ trợ của JICA tiếp tục là điểm nhấn trong thúc đẩy sản xuất cây trồng bền vững tại các địa phương.
Những ruộng bí, dưa chuột xanh mướt đang phủ kín những sườn đồi sỏi đá ở phường Vân Sơn, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Tất cả đều do bàn tay cần cù của các hộ nông dân thuộc Hợp tác xã Nông Xanh chăm sóc. Chỉ cách đây vài năm, nơi đây vẫn còn là đất trồng ngô, su su và rau xanh truyền thống của bà con dân tộc Thái, Mông với hiệu quả thấp, đầu ra bấp bênh. Việc không giữ chữ tín của một số thương lái, nhất là khi giá cả thị trường biến động, đã nhiều lần đẩy bà con vào cảnh lao đao, thậm chí mất trắng. Chính thực tế ấy đã thôi thúc anh Lưu Tùng Định, một người con xứ Nghệ gắn bó với mảnh đất Mộc Châu - thành lập nên Hợp tác xã Nông Xanh. Mục tiêu không chỉ để nâng cao kỹ thuật sản xuất, đảm bảo quy trình trồng rau an toàn, mà còn để chủ động hơn về đầu ra, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương. Anh Định chia sẻ: "Hợp tác xã hiện tại đang có gần 20 hecta tự sản xuất, liên kết với người dân trên địa bàn là hơn 30 hecta, sản xuất rau theo tiêu chuẩn Viet Gap. Về thu nhập, mỗi hộ, mỗi vụ có thể thu 50-60 triệu đồng. Đó là con số cải tiến hơn nhiều so với sản xuất trước đây".

Anh Định không chỉ mong muốn cải thiện kỹ thuật sản xuất mà còn quyết tâm xây dựng chuỗi liên kết ổn định từ đồng ruộng tới thị trường. Đúng lúc đó, chương trình hỗ trợ của tổ chức JICA Nhật Bản thông qua “Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc của Việt Nam” với những hỗ trợ kịp thời về giống cây trồng, kỹ thuật canh tác hiện đại, quy trình sản xuất an toàn và kết nối tiêu thụ sản phẩm đã tiếp thêm động lực để anh Lưu Tùng Định hiện thực hóa giấc mơ của mình. "JICA đến với tôi rất đúng lúc vào lúc tôi đang phát triển mô hình hợp tác xã. Dự án của JICA đã đưa mình vào khuôn khổ, nâng cao kiến thức cho mình, đúng theo quy trình hơn", anh Định chia sẻ.
Thông qua dự án được thưc hiện từ năm 2022, Hợp tác xã được hỗ trợ kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất như kho sơ chế hàng hóa, xây mái vòm ươm giống… Ngoài ra bà con nông dân trong hợp tác xã không chỉ học cách trồng trọt theo phương pháp mới mà còn được hướng dẫn khảo sát nhu cầu thị trường, lập kế hoạch canh tác hợp lý theo mùa vụ, áp dụng các tiêu chuẩn GAP cơ bản để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bên cạnh việc chuyển giao kiến thức, các chuyên gia Nhật Bản còn trực tiếp “cầm tay chỉ việc” trên từng luống đất. Khi không thể có mặt tại địa phương, họ tiếp tục hỗ trợ từ xa, theo dõi sát từng bước tiến triển của hợp tác xã, giúp bà con kịp thời điều chỉnh kỹ thuật sản xuất. Một trong những điểm nhấn quan trọng của dự án chính là giúp bà con nông dân thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ tâm lý “bán những gì mình trồng được” sang “trồng để bán” — nghĩa là sản xuất theo định hướng thị trường, bám sát nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Ông Kayano Naoki, chuyên gia JICA, điều phối viên dự án cho biế, hiện nay nông dân đã áp dụng được các kỹ thuật trồng trọt, canh tác mà dự án hướng dẫn một cách khá nhuần nhuyễn. "Về phương diện thị trường, họ đã biết cách điều tra, khảo sát thị trường trước khi sản xuất để chuyển tư duy từ “trồng gì bán nấy” sang “trồng để bán”, ông Naoki nhấn mạnh.

Hiện nay, sản phẩm rau sạch của HTX Nông Xanh được phân phối qua hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại các thành phố lớn và đều đặn có đơn đặt hàng từ các nhà máy chế biến thực phẩm như Pepsi, góp phần tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân. Anh Lưu Tùng Định vui mừng chia sẻ, từ khi có sự hỗ trợ của dự án JICA, năng suất và hiệu quả sản xuất tại Hợp tác xã Nông Xanh đã tăng từ 30 đến 40% so với trước đây. Quan trọng hơn, bà con đã thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Ông Hà Văn Chiến, một xã viên của hợp tác xã Nông Xanh nói, "tham gia hợp tác xã, tôi học được rất nhiều kinh nghiệm từ kỹ thuật canh tác, giúp năng suất sản lượng gia tăng. Trách nhiệm của xã viên là sản xuất đúng quy trình để cho ra nguồn rau xanh, sạch".
Sự thay đổi rõ rệt trong tư duy sản xuất và hiệu quả kinh tế của bà con nông dân Mộc Châu đã cho thấy tác động tích cực từ những hỗ trợ của dự án. Theo ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, kinh nghiệm từ các hợp tác xã mục tiêu như Hợp tác xã Nông Xanh sẽ được chia sẻ cho những mô hình tương tự tại địa phương, từ đó mở rộng kỹ thuật canh tác trồng cây an toàn. Ông khẳng định, đến thời điểm hiện nay, dự án triển khai trên địa bản thì Sơn La đã đạt được những mục tiêu và bốn kết quả chính gồm tăng cường nguồn nhân lực để phục vụ việc mở rộng vùng sản xuất an toàn; tăng cường năng lực cũng như công tác quản trị của các hợp tác xã mục tiêu; tăng cường công tác kết nối đối tác với chuỗi sản xuất và ăng cường năng lực thực thi để làm sao đảm bảo an toàn thực vật.

Ngoài Sơn La, Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc của Việt Nam” được thực hiện tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh và Hải Dương trong nỗ lực thúc đẩy chuỗi giá trị cây trồng an toàn một cách bền vững.
Sự đồng hành kịp thời của các chuyên gia Nhật Bản, cùng khát vọng đổi thay của những “nông dân thế hệ mới”, đang từng ngày kiến tạo nên diện mạo mới cho nông nghiệp. Rau sạch, quả ngọt an toàn không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, mà còn vun đắp thêm niềm tin về một hướng đi mới, vững chắc hơn cho bà con nông dân.
Bình luận